TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI CHIM YẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

18/05/2022 - 15:04 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Tình hình chăn nuôi chim yến hiện nay trên địa bàn tỉnh Nuôi chim yến đang được xem là nghề “hái lộc trời” ở nhiều nơi có biển trên toàn quốc. Ở nước ta, nghề nuôi chim yến đã có từ thế kỷ 19, đến năm 2004 nuôi yến với mục đích thương mại và trở thành ngành sản xuất bắt đầu xuất hiện ở một số tỉnh Nam Bộ. Nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành nuôi yến phát triển mạnh, với nhiều loại hình, quy mô khác nhau. Với điêu kiện tự nhiên và môi trường thuận lợi cho chim yến phát triển, số lượng cơ sở chăn nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khá nhiều.

Trong khu vực đất liền hiện có 152 cơ sở nuôi chim yến, 179 nhà yến, trong đó có 23 cơ sở ngoài khu dân cư và 129 cơ sở nằm xen kẽ trong các khu dân cư với số lượng chim yến hiện khoảng 18.000 con, giống yến nuôi chủ yếu là chim yến Hàng Germani. Phương thức nuôi chủ yếu là cơi nới, sửa sang nhà ở hoặc các công trình khác để tận dụng làm nơi gây nuôi chim yến, đồng thời dẫn dụ thông qua việc sử dụng thiết bị âm thanh để hấp dẫn chim yến đến trú ngụ và làm tổ trong nhà yến.

Tại huyện Côn Đảo thì đặc thù không có cơ sở xây dựng để gây nuôi chim yến. Hiện có 13 hang tự nhiên được sử dụng để gây nuôi chim yến (hòn Bông Lan 01 hang, Hòn Thỏ 02 hang, Hòn Cau 01 hang, Hòn Tre nhỏ 03 hang, Vịnh Đầm Tre 03 hang, Mũi Việt Minh 01 hang và hòn Bảy Cạnh 02 hang). Giống yến nuôi cũng chủ yếu là chim yến Hàng Germani. Từ năm 2011 Vườn quốc gia Côn Đảo và một công ty yến sào tại Khánh Hòa cùng hợp tác để quản lý, bảo vệ và khai thác tổ yến một cách khoa học nhằm phục hồi đàn chim. Do được quản lý tốt nên các hang yến sào tại Côn Đảo đều phát triển ổn định, mỗi năm khai thác 02 kỳ.  Số lượng chim yến hiện có khoảng  6.000 con.

 Hiện trên địa bàn tỉnh sản phẩm từ chim yến đều là tổ dạng thô, chủ cơ sở bán trực tiếp cho người dân có nhu cầu mua và các đại lý phân phối với sản lượng mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 50 – 54 kg tổ yến thô, tương đương khoảng 3.500 – 8.100 tổ yến thô.

Tiềm năng phát triển nghề chăn nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích đất nông nghiệp là 118.304 ha (gần 60% tổng diện tích) và 288 ha đất chưa sử dụng (chiếm 0,15%), đây sẽ là vùng thức ăn rất tốt cho việc gây nuôi chim yến. Mặt khác do đặc điểm vùng thức ăn chim yến của tỉnh chủ yếu là đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm, hàng năm, ngoài ra còn có các hồ có diện tích mặt nước lớn như hồ Đá Bàng, Suối Môn, Suối Rao, Bà Tô, Đá đen,…đây là điều kiện thiên nhiên ưu đãi để tiếp tục phát triển nghề nuôi chim yến, nhất là phát triển kinh tế hộ ở nông thôn song kèm theo đó là những thách thức không nhỏ. Việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa có giá trị cao đúng với giá trị thực vì chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch. Thiếu tính liên kết của một ngành hàng, chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, một số tổ chức, cá nhân tư vấn hướng dẫn xây dựng nhà yến không phù hợp làm thiệt hại kinh tế cho người dân, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và sản lượng tổ. Hộ nuôi thiếu hoặc không nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái và tập tính của chim yến nhà, dẫn đến tình trạng nhà xây xong chim không về làm tổ hoặc chim chết do biến đổi thời tiết. Bởi vì, về mặt kỹ thuật nhà yến phải được đặt ở vị trí có nguồn thức ăn tự nhiên, xa khu công nghiệp để tránh ảnh hưởng khói bụi, hóa chất, tiếng ồn… Để đầu tư nhà yến ngoài mặt bằng chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị kỹ thuật thì vốn tối thiểu cũng trên 1 tỷ đồng. Theo đó, hầu hết các nhà yến được thiết kế sử dụng thiết bị công nghệ Indonexia, Malaixia với những yêu cầu kỹ thuật cao như: Tường nhà nuôi yến phải xây 2 lớp gạch, ở giữa lót một lớp xốp chuyên dụng để cách âm, cách nhiệt, chủ động điều chỉnh ánh sáng, đảm bảo ổn định nhiệt độ và độ ẩm trong 24/24 giờ hàng ngày với nhiệt độ từ 26-310C, độ ẩm từ 74-85%... Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định việc thu hút yến vì nếu độ ẩm dưới 74% thì độ bám dính kém, nền tổ yến bị bong tróc, yến không làm tổ..

Để phát triển nghề chăn nuôi yến trên địa bàn tỉnh mang tính bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng vẫn phải đảm bảo vệ sinh môi trường, quản lý chất thải của chim yến cũng như tiếng ồn do thiết bị gọi yến gây ra, tránh ảnh hưởng tới các hộ dân sinh sống xung quanh. Ngày 10 tháng 12 năm 2021, theo quy định tại Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về quy định vùng nuôi chim yến quy định cụ thể:  (1) Vùng được phép nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng nằm ngoài các khu vực được quy định tại Điều 2 Nghị quyết này. Nhà nuôi chim yến phải có khoảng cách tối thiểu 200 mét tính từ ranh giới vùng không được phép chăn nuôi. (2) Các cơ sở nuôi chim yến phải đảm bảo theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Chăn nuôi và khoản 2 Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi và các quy định hiện hành có liên quan.

                                     Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh