Thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
26/11/2021 - 10:28 | Thông tin doanh nghiệp cần biết
Theo đó, Bộ Công
Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực
hiện các nội dung:
(1)
Theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết
yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn
thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng
biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình
trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm
và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
(2)
Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung
hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn; có kế
hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ tiêu dùng của
người dân trong trường hợp có dịch bệnh và Tết; triển khai các biện pháp bình
ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi
nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng
thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được
nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp
trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
(3)
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng
theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nhất là dịch
tả lợn Châu Phi, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng
thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, chủ
động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị
trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn
nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, bảo đảm sản xuất theo
đúng quy hoạch và theo khuyến cáo của các bộ, ngành hữu quan, tránh tình trạng
dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa trong
nước nói chung và thị trường thực phẩm nói riêng.
(4)
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các Sở ngành liên quan, kịp thời tháo gỡ
khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa, nhất là việc vận tải của các đơn vị khi
qua các địa bàn liên tỉnh có dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhằm
bảo đảm cho lưu thông hàng hóa thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường
dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
(5)
Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động kết
nối cung cầu phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an
toàn dịch bệnh để kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực
phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết và cung ứng cho
các địa bàn phải thực hiện giãn cách phòng chống dịch bệnh; phối hợp với các
địa phương khác triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng các
phương thức mới (trực tuyến, sàn đấu giá điện tử...) để giới thiệu, hỗ trợ tiêu
thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng
phục vụ Tết.
(6)
Phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện Chương trình khuyến
mại tập trung quốc gia năm 2021, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu
tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về
khu, cụm công nghiệp theo phương thức phù hợp, thích ứng an toàn với dịch bệnh
Covid-19 đối với các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước.
(7)
Tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn
hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục
vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi,
vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho
các vùng bị thiệt hại do bão, lũ, những đối tượng gặp khó khăn do tác động của
dịch bệnh với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.
(8)
Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa,
các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
sau dịch bệnh; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia
Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hoá, các phương thức bán
hàng lưu động... để cung ứng hàng hóa bình ổn đến khu vực đông dân cư, khu công
nghiệp, các huyện ngoại thành, các khu vực bị cách ly do dịch bệnh, vùng sâu
vùng xa, khu vực biển đảo...nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các
đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.
(9)
Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ có
phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên
đán; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng, đo
lường xăng dầu lưu thông trên thị trường.
(10)
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo cung ứng điện của các Công ty Điện lực
tại địa phương, trong đó đặc biệt lưu ý phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện
cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và cung cấp điện cho các cơ sở y tế để
khám, chữa bệnh. Chú trọng công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại các
nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi.
(11)
Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường hoạt động kiểm
tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các
quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp
luật trên địa bàn.
(12)
Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, phối hợp với Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phương án tổ chức các Hội chợ Xuân bảo đảm an
toàn phòng chống dịch bệnh.
(13)
Hướng dẫn các chợ dân sinh, các chợ đầu mối trên địa bàn, triển khai tốt các
biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với
dịch bệnh Covid-19 để duy trì hoạt động của các chợ nhằm bảo đảm cung ứng, trao
đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân dịp cuối
năm và Tết Nguyên đán.
(14)
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên
địa bàn thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình
ổn thị trường, công tác quản lý an toàn thực phẩm của nhà nước, thông tin các
điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương; tuyên
truyền sâu rộng việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng
Việt Nam”; phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền về việc khuyến khích
sử dụng xăng sinh học; kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị
trường.
Bên cạnh việc chỉ đạo
nêu trên, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công
ty sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết; các
Hiệp hội ngành hàng; các đơn vị thuộc Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các nội
dung, giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn
thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần năm 2022.
Xem chi tiết Chỉ
thị tại đây!