Thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên cây trồng chủ lực tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030

01/08/2023 - 15:49 | An toàn thực phẩm

Ngày 30/6/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030.

Việc ban hành Kế hoạch nhằm mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng IPHM nhằm chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.


Cán bộ kỹ thuật chủ động điều tra theo dõi sinh vật gây hại trên cây bưởi

nhằm có biện pháp phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, toàn Tỉnh có trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng; đào tạo ít nhất 20 giảng viên, hướng dẫn viên IPHM Quốc gia và cấp tỉnh và mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt; có 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả ứng dụng IPHM, 70% diện tích cây ngô ứng dụng IPHM, cây công nghiệp đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM; trên 90% số xã nông nghiệp thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Kế hoạch triển khai một số giải pháp trọng tâm như: truyền thông nâng cao nhận thức về IPHM; đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực IPHM; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; rà soát cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng IPHM.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2022 – 2030 theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu sản xuất tại địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; kịp thời điều chỉnh những nội dung không phù hợp, nhân rộng các mô hình, cách làm hay. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết kịp thời.

Thanh Hiền TT&BVTV