Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch
22/09/2021 - 08:18 | Xúc tiến thương mại
Chỉ thị nêu rõ: Trong
những tháng đầu năm 2021, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ và các cấp, các ngành; sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản đạt
được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư diễn biến
phức tạp, lây lan nhanh, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, lưu
thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, đặc biệt tại những vùng đang áp dụng biện
pháp giãn cách xã hội; nhiều mặt hàng nông sản bị tồn đọng với khối lượng lớn,
giá giảm sâu; một số chuỗi sản xuất bị đứt gẫy, ảnh hưởng tới nguồn cung trong
thời gian tới, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Để kịp thời tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản,
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương tập trung triển khai một số nhiệm vụ cấp bách sau:
1. Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn: Chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp
bảo đảm không đứt gẫy chuỗi sản xuất nông nghiệp; đồng thời rà soát, chuẩn bị
đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo, nhất là các doanh nghiệp chế
biến, xuất khẩu nông sản ở các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị
16/CT-TTg, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và
chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp
Tết Nguyên đán; tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế
biến, bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng.
Chỉ đạo các địa phương
đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cho các vùng, khu
vực đã khống chế được dịch COVID-19 để hỗ trợ, bù đắp phần thiếu hụt cho các
địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam; tiếp tục phát huy hiệu
quả vai trò của hai Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ
nông sản phía Bắc và phía Nam.
Chỉ đạo và tăng cường
giám sát việc tái cơ cấu nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm (sản phẩm chủ lực
quốc gia, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP) bảo đảm tiến độ và hiệu quả; xây
dựng, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp; xây
dựng mã số vùng trồng, mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy
sản; truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm; tăng cường quảng bá,
tiêu thụ nông sản thông qua các kênh xúc tiến thương mại, dịch vụ, nhất là
thương mại điện tử.
Chỉ đạo, tổ chức triển
khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống các loại dịch
bệnh trên vật nuôi, cây trồng và thủy sản. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao,
Bộ Công Thương thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang
Trung Quốc (sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, thủy sản); khẩn
trương đàm phán thống nhất với cơ quan liên quan của Trung Quốc giảm tỷ lệ kiểm
dịch động thực vật vào thị trường Trung Quốc. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công
Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan đánh giá tác động, phổ biến,
hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp việc thực hiện,
đáp ứng các thủ tục, quy định đối với quản lý chất lượng nông sản nhập khẩu của
thị trường Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ 1/1/2022.
Chủ trì, phối hợp Bộ Tài
chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ giống (cây trồng,
vật nuôi, thủy sản) cho nông dân để khôi phục sản xuất tại các địa phương thực
hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Phối hợp với các bộ, cơ
quan liên quan nghiên cứu, đề xuất biện pháp phù hợp trong áp dụng hình thức
đánh giá trực tuyến thay đánh giá trực tiếp; hoặc gia hạn tối đa 6 tháng các
loại giấy phép, giấy chứng nhận, quyết định chỉ định đã hết hạn.
2. Bộ Công Thương: Hướng
dẫn các địa phương đã kiểm soát dịch bệnh mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối
kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân; đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế ban
hành các quy định bảo đảm phòng chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tác động, hướng dẫn các địa phương,
hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của
phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ 1/1/2022. Chủ động trao
đổi với các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu,
thông quan cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả; khuyến khích xuất khẩu
chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông, Bộ Ngoại giao trong công tác đàm phán quản trị
chất lượng để mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu; chủ động cung cấp thông tin
thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho các
địa phương; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại
điện tử.
3. Bộ Giao thông vận
tải: Chỉ đạo các cơ quan liên quan bảo đảm hệ thống giao thông vận tải thông
suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản,
vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Kiểm tra, hướng dẫn lưu
thông thống nhất tại các địa phương; rà soát, yêu cầu bãi bỏ các văn bản của
địa phương trái với quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lưu thông
hàng hóa, tuyệt đối không để ách tắc, các địa phương không được ban hành các
giấy phép con.
Chủ trì, phối hợp với Bộ
Công Thương sớm xử lý tình trạng thiếu container rỗng và có giải pháp giảm giá
cước vận tải phục vụ xuất khẩu và nhập khẩu.
Chủ trì xây dựng hệ
thống công nghệ thông tin hỗ trợ điều tiết lưu lượng xe đỗ, tập kết tại khu vực
cửa khẩu và trên các tuyến đường lên cửa khẩu để tránh ùn tắc.
4. Bộ Y tế: Phối hợp với
các Bộ, ngành, các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám
sát, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản
xuất kinh doanh phù hợp với đặc thù của từng loại hình sản xuất khu vực nông
nghiệp.
Chỉ đạo, hướng dẫn, giám
sát thống nhất các địa phương được sử dụng kết quả và thời gian có hiệu lực của
hai phương pháp xét nghiệm COVID-19 (test nhanh và PCR).
Hướng dẫn cụ thể khi
người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ở các tỉnh, thành phố để có lao động
duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; rà soát và bố trí nguồn
vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng, kho bãi tại các cửa khẩu và hạ tầng chế biến nông
sản tại các địa phương.
6. Bộ Tài chính: Chỉ đạo
cơ quan hải quan tại cửa khẩu làm thủ tục và thông quan nhanh chóng đối với các
mặt hàng qua các cửa khẩu, đặc biệt là các cửa khẩu đường bộ qua biên giới phía
Bắc, ưu tiên về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với nông sản
vào thời điểm thu hoạch chính vụ; tăng thời gian làm việc, đẩy mạnh thông quan
điện tử, tạo thuận lợi trong việc thông quan đối với nông sản xuất khẩu chính
ngạch sang Trung Quốc.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ giống (cây trồng, vật nuôi, thủy
sản) cho nông dân để khôi phục sản xuất tại các địa phương thực hiện giãn cách
xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
7. Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn, đáp ứng nhu
cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản;
triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các chính sách, chương trình tín dụng
trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ
khó khăn cho khách hàng vay vốn trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng bởi dịch
COVID-19 thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn,
giảm, hạ lãi suất cho vay…; khuyến khích các tổ chức tín dụng xây dựng các sản
phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp; đơn giản
hóa thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng. Đồng
thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức tín
dụng bảo đảm các chính sách của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp kịp
thời, đúng đối tượng.
8. Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong thực hiện
chính sách an sinh xã hội đối với lao động tại các doanh nghiệp sản xuất nông
nghiệp, bảo đảm lực lượng lao động tại các địa phương khi phục hồi sản xuất.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát và có điều chỉnh phù hợp.
9. Bộ Ngoại giao: Chỉ
đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường cập nhật thông tin
sản xuất, thị trường, nhu cầu nhập khẩu của nước sở tại, các cơ hội thúc đẩy
hợp tác và nguy cơ từ các rào cản thương mại đối với hàng nông sản của Việt Nam
cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp; hỗ trợ các hoạt động xúc
tiến xuất khẩu nông sản của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh toàn
diện công tác ngoại giao vaccine phục vụ phòng, chống dịch trong nước và phục
hồi sản xuất kinh doanh, góp phần tạo môi trường sản xuất an toàn, thuận lợi
cho phát triển nông nghiệp, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.
10. Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết
số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ
kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại
cơ sở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Thành lập Tổ Công tác để
hướng dẫn tư vấn chuyên môn phòng, chống dịch cho cơ sở sản xuất kinh doanh,
đơn vị vận tải lưu thông hàng hóa và kịp thời tham mưu giải quyết ngay khi có
các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu
thụ, xuất khẩu nông sản; không để đứt gẫy chuỗi sản xuất nông nghiệp; bảo đảm
ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy tăng trưởng.
Không để ách tắc trong
sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản và di chuyển lao động liên
tỉnh, liên huyện nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, nhất là
thực hiện 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; ban hành chính
sách hỗ trợ chủ xe, lái xe giảm chi phí vận chuyển, tiêu thụ nông sản và lưu
thông vật tư nông nghiệp.
Ưu tiên tiêm vắc xin cho
nhân lực hoạt động trong thu hoạch, chế biến, lưu thông và xuất khẩu nông
sản.
Tổ chức hướng dẫn doanh
nghiệp, người sản xuất thực hiện các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch
bệnh hiệu quả; xây dựng, hướng dẫn về phòng bệnh COVID-19 ở vùng xanh, giữa các
vùng xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Chỉ đạo chính quyền các
cấp trên địa bàn tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp
phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và thủy sản; ngăn chặn, xử lý
nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước
ngoài vào Việt Nam.
Các địa phương có cửa
khẩu chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về kho bãi, bảo quản hàng
hóa nông sản, dịch vụ vận tải, hậu cần thương mại tại cửa khẩu; tăng cường kiểm
soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu phòng, chống dịch COVID-19; đảm bảo thông quan
xuất khẩu nông sản trong mọi tình huống. Chỉ đạo chính quyền các cấp trên địa
bàn không ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện trái với quy định của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ và của các bộ ngành về lưu thông hàng hóa.
11. Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp Phát huy tinh thần tự lực tự cường, chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, hội nhập kinh tế quốc tế.
Kim Khánh