Tết Nguyên Đán 2023 cận kề nhưng giá heo hơi, gia cầm hơi tăng không đáng kể
13/01/2023 - 15:27 | Giá cả, thông tin thị trường
Thông thường theo quy luật mọi năm, khi nhu cầu tiêu thụ
các sản phẩm chăn nuôi thịt heo cuối năm, đặc biệt là dịp tết Nguyên Đán rất lớn,
tăng khoảng hơn 20-30% so với ngày thường. Đặc biệt là năm nay khi mà dịch bệnh
được kiểm soát, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, Bà Rịa - Vũng Tàu
sẽ đón một lượng khách du lịch lớn đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đây sẽ là cơ hội
thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi tăng cao. Dự kiến tổng nhu cầu thịt
khoảng 6.500 tấn (trong đó, thịt trâu bò 600 tấn, thịt heo 3.400 tấn và thịt
gia cầm 1.600 tấn). Trứng gia cầm khoảng 13 triệu quả. Cân đối nguồn cung – cầu
cho thấy ngành chăn nuôi của tỉnh đảm bảo lượng thịt, trứng cung ứng cho người
tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán. Chi cục cũng tăng cường
công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an
toàn sinh học, tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin trên đàn vật nuôi để phòng, chống
các loại dịch bệnh nhằm đảm bảo sản phẩm cung ứng ra thị trường đáp ứng yêu cầu
vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tết cận
kề nhưng giá heo hơi, gia cầm hơi tăng không đáng kể
Để chuẩn
bị cho dịp tết Nguyên Đán người chăn nuôi đã tập trung tái đàn từ thời điểm
tháng 9 năm 2022. Đồng thời ngành Thú y phối hợp các địa phương tuyên truyền
người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, nhất là tích cực
thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống
dịch, chăn nuôi an toàn. Bên cạnh đó, triển khai các kế hoạch vệ sinh, tiêu độc
khử trùng tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao. Thực hiện tốt công tác
kiểm dịch động vật xuất, nhập tỉnh để đảm bảo sản phẩm chăn nuôi được lưu thông
thuận lợi trong và ngoài tỉnh, cũng như tăng cường công tác kiểm soát giết mổ,
kiểm tra vệ sinh thú y ở các điểm mua bán động vật, sản phẩm động vật thường
xuyên, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2023 để đảm bảo an
toàn nguồn thịt cung ứng đến tay người tiêu dùng.
Với kỳ
vọng, giá sẽ tăng vào dịp tết như những năm trước, vào vụ tiêu thụ Tết, giá các
sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là giá heo hơi, gà ta thả vườn thường biến động mạnh
với xu hướng tăng cao so với ngày thường. Tuy nhiên đến nay giá heo hơi, gia cầm
hơi mặc dù có tăng nhẹ (2.000-3.000đ/kg) nhưng vẫn chưa bật tăng như mong đợi của
người chăn nuôi, thậm chí còn thấp hơn giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi
lo lắng (theo tính toán của các cơ sở chăn nuôi heo với mức vật tư đầu vào tăng
như hiện tại thì giá thành để sản xuất ra 1 kg heo hơi không thể dưới 60.000 đồng/kg,
tuy nhiên giá bán heo hơi hiện tại đến ngày 13/01/2023 là 54.000-55.000đ/kg).
Nguyên nhân khiến giá heo hơi, gia cầm hơi giảm được nhận định do: (1) Nguồn
cung đang dồi dào; (2)Theo nhận định của các chuyên gia cho rằng giá heo hơi hiện
nay hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, sức mua. Các nguồn tiêu thụ nói chung đều
giảm trên cả nước. Ví dụ như các bếp ăn tập thể, người lao động bị ảnh hưởng bởi
kinh tế khó khăn nên thu nhập giảm, nhiều công ty xí nghiệp giảm giờ làm, thậm
chí phải giảm bớt công nhân, do đó nhu cầu cũng giảm… Những yếu tố đó đã khiến
giá heo hơi, gia cầm hơi không tăng lên
được.
Dự báo ngành chăn
nuôi năm 2023
Theo các chuyên gia dự đoán
kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu là
cuộc xung đột từ khu vực biển Đen; áp lực giá lương thực, nhiên liệu rộng và
dai dẳng. Suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc vẫn có thể tiếp diễn trong ngắn hạn,
cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu (ngành chăn
nuôi của Việt Nam có liên hệ khá mật thiết với sự kiện mở cửa trở lại của Trung
Quốc). Kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, triển vọng khả quan do hoạt động sản
xuất kinh doanh khởi sắc và đạt được kết quả toàn diện trên nhiều mặt; cơ cấu lại
nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh. Tuy
nhiên, nền kinh tế trong nước cũng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại
như áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh. Điều này sẽ tác động không
nhỏ tới ngành chăn nuôi.
Mặc dù, còn nhiều khó khăn và thách thức, ngành chăn nuôi cả
nước nói chung và ngành chăn nuôi của tỉnh
Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng với dư địa phát triển, tiếp tục nhận được sự quan
tâm của Trung ương, địa phương, các nhà đầu tư trong và ngoài nước và thường xuyên có sự phối hợp thống nhất
cao trong chỉ đạo. Việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi
giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045 sẽ góp phần tiếp tục ổn định và phát triển
ngành chăn nuôi trong năm 2023 và những năm tới.
Hạnh Nguyễn – Chi cục CNTY