Tập huấn quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nhằm quản trị và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam vào thị trường EU

16/01/2023 - 08:27 | Giá cả, thông tin thị trường

Ngày 29/12 - 30/12/2022, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành gia vị, rau quả Việt Nam” (Dự án SFV-Export) do Liên minh Châu Âu tài trợ tổ chức Chương trình tập huấn quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nhằm quản trị và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam vào thị trường EU

Chương trình tập huấn được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phần tham dự bao gồm đại diện: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường); Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ); các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng rau, gia vị.

Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nông sản có thế mạnh như: gạo, cà phê, điều, tiêu, thủy sản, trái cây,… Tuy nhiên, chưa có nhiều nông sản thế mạnh đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và đăng ký bảo hộ ở trong nước và quốc tế. Trong những năm qua, nhiều sản phẩm nông sản có nhãn hiệu, thương hiệu mạnh có giá trị lớn của Việt Nam đã và đang tiềm ẩn nguy cơ mất nhãn hiệu, thương hiệu do chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, điển hình như cà phê Trung nguyên bị đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ, gạo ST 25 ở tỉnh Sóc Trăng bị một một Công ty ở Úc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu,… Việc xây dựng và phát triển thương hiệu trên thị trường quốc tế đã và đang đặt ra vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp và công tác quản lý Nhà nước trong việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản, đặc sản Việt Nam.

Tại khoá tập huấn, các chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp đã cùng nhau đánh giá thực trạng về vấn đề xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung và ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam nói riêng; nhận định cơ hội và thách thức trong việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, cùng nhau chia sẻ về quy trình thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với nông sản Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế, nhất là tại thị trường EU, những kinh nghiệm trong việc xây dựng, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản, đặc sản,….

Theo chuyên gia khoá tập huấn: Ông Lê Đức Thanh - Công ty TNHH nghiên cứu và tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư (Concetti) cho biết, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu của sản phẩm nông nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn. Ở Trung ương, chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Sự phối hợp giữa 03 Bộ chức năng: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên.

Ở cấp độ địa phương, các tỉnh, thành phố chưa thực hiện tốt công tác khảo sát xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Do đó, hoạt động lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất và nhu cầu của thị trường. Việc bảo hộ sản phẩm không phải là sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó là lựa chọn sai hình thức bảo hộ; quy mô sản xuất nhỏ; tập trung chính vào khâu đăng ký. Sau bảo hộ, gặp khó khăn trong quảng bá và tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn và nâng cao giá trị sản phẩm.

Mặt khác, một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể chưa phát huy được vai trò là chủ sở hữu do không có chức năng kinh doanh. Một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể (hợp tác xã) được thành lập khi có sự hỗ trợ từ các dự án và không hoạt động khi kết thúc dự án, hoặc hoạt động rất cầm chừng. Có hợp tác xã đã thành lập từ trước làm chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể nhưng lĩnh vực hoạt động rộng, nhiều ngành nghề. Việc này dẫn đến nguồn lực bị phân tán, kinh nghiệm tham gia quản lý và thương mại còn hạn chế.

Hiện nay, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nông nghiệp nói chung và nỗ lực đưa nông sản Việt ra thị trường quốc tế nói riêng, nông sản Việt đối diện với rất nhiều thách thức. Việc này không chỉ đến từ khâu chất lượng sản phẩm, từ thị trường, từ sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng mà còn đến từ năng lực tiếp cận thị trường thông qua thương hiệu sản phẩm. Khi nói đến thương hiệu sản phẩm nông sản, đây là một phạm trù cần được định nghĩa rõ ràng, tiếp cận từ khía cạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm. Bởi khi sản phẩm nông sản đưa được đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế thì sản phẩm đó cần được chứng nhận, xác nhận và xây dựng cơ chế pháp lý theo từng nhóm loại hình sản phẩm, từng nhóm loại hình đăng ký. Cách tiếp cận phải đúng, phải trúng và với phương thức tổ chức thực hiện, quản lý, quản trị hiệu quả.

Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh, việc cần thiết đó là có thêm các thành tố tham gia cùng người nông dân, cùng doanh nghiệp trong bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam ra trường quốc tế. Để khi bất cứ một tranh chấp quốc tế nào xảy ra thì đây sẽ là các thiết chế đại diện cho người nông dân, hợp tác xã. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị một năng lực pháp lý căn cơ nhằm giảm thiểu rủi ro xung đột về mặt thương mại.

Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, việc này, không chỉ một mình ngành nông nghiệp có thể làm được mà cần sự vào cuộc của các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và từ chính nhận thức của người nông dân.

Bế giảng khoá tập huấn, Bà Nguyễn Thị Thơ - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kết luận khoá tập huấn đã hoàn thành tốt nội dung chương trình đề ra, các học viên tham gia học tập nhiệt tình, thảo luận sôi nổi. Qua khoá tập huấn đã giúp các học viên ý thức sâu sắc được vai trò quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và nắm bắt tốt quy trình, thủ tục thực hiện. Đồng thời khẳng định quyết tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hội nhập kinh tế sâu rộng trong bối cảnh hiện nay, sắp tới sẽ đẩy mạnh hoạt động quản lý, có biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển và bảo hộ nhãn hiệu/thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản ở thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế. Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Khoa học Công nghệ, đại diện Lãnh đạo của 03 Bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã ký thỏa thuận hợp tác về “Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025”. Trước mắt, Kế hoạch phối hợp sẽ tập trung vào 05 sản phẩm chính là gạo, cà phê, hồ tiêu, điều và trái cây; lựa chọn 03 sản phẩm gồm: vải thiều của tỉnh Bắc Giang, xoài quả của tỉnh Đồng Tháp, nhãn quả và long nhãn của tỉnh Sơn La để nghiên cứu thí điểm đánh giá xác định sản phẩm tiềm năng và thị trường trọng điểm để có đề xuất hướng hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý ở các thị trường phù hợp. Việc hỗ trợ sẽ được mở rộng cho những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng khác, nhất là nếu như đó là sản phẩm nông sản, đặc sản của các địa phương. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng 01 Hướng dẫn để giúp doanh nghiệp nắm bắt rõ quy trình, thủ tục đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu/thương hiệu ở thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế.

Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, rất quan tâm đến công tác quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh. Tại Quyết định số 2468/QĐ-UBND ngày 20/8/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành danh mục gồm 26 sản phẩm nông nghiệp chủ lực thuộc các lĩnh vực trồng trọt (15 sản phẩm), chăn nuôi (5 sản phẩm), diêm nghiệp (01 sản phẩm muối), thuỷ sản (04 sản phẩm). Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt một số ngành hàng, sản phẩm quan trọng trên địa bàn tỉnh cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (tại Quyết định số 1147/QĐ-UBND ngày 08/5/2019 và Quyết định số 2811/QĐ-UBND ngày 12/9/2022 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1147/QĐ-UBND ngày 08/5/2019). Đồng thời, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ban hành Nghị Quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác lập quyền nhãn hiệu Tập thể cho 02 sản phẩm: Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa - Vũng Tàu, Mãng cầu ta Bà Rịa - Vũng Tàu; xác lập quyền nhãn hiệu Chứng nhận cho 08 sản phẩm: Muối Bà Rịa, Hồ tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu, Bún Long Kiên - Bà Rịa, Hàu Long Sơn - Vũng Tàu, Bánh tráng An Ngãi, Thanh Long Xuyên Mộc, Chả cá Phước Hải, Bưởi da xanh Sông Xoài; xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho 04 sản phẩm: Hồ tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa - Vũng Tàu, Mãng cầu ta Bà Rịa - Vũng Tàu, Muối Bà Rịa. Đồng thời, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định công nhận 06 nghề truyền thống: Bún Long Kiên, Rượu Hòa Long, Bánh hỏi An Nhứt, Muối Long Điền, Bánh tráng An Ngãi, Sò ốc mỹ nghệ thành phố Vũng Tàu và 01 Làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi (huyện Long Điền), tạo cơ sở để tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc sản, chủ lực của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) cũng đã tham mưu xây dựng các Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu Chứng nhận, nhãn hiệu Tập thể, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “muối, mãng cầu ta, nhãn xuồng cơm vàng, hồ tiêu, bún, bánh tráng, hàu, thanh long, chả cá, bưởi da xanh” và đã cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho các cơ sở, doanh nghiệp đối với một số nông sản đặc sản, chủ lực như: Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa - Vũng Tàu (trao quyền sử dụng và khai thác cho Hợp tác xã Nhân Tâm, huyện Xuyên Mộc), Muối Bà Rịa (cấp quyền sử dụng nhãn hiệu Chứng nhận muối Bà Rịa cho cơ sở sản xuất muối Nguyễn Văn Phúc - Thôn 8, xã Long Sơn - Tp. Vũng tàu và Doanh nghiệp tư nhân Lê Bên - tổ 6, ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền), Hồ tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu (ủy quyền cho Hội hồ tiêu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý, khai thác Nhãn hiệu chứng nhận).

CTV Đình Tú - Chi cục PTNT