Tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi

09/08/2022 - 11:19 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 9207/UBND-VP, theo đó UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 4722/BNN-TY ngày 21/7/2022 về việc tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi theo quy định; thời hạn hoàn thành trước ngày 09/8/2022.

Tại Công văn số 4722/BNN-TY, Bộ NN&PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ thực trạng nuôi trồng thủy sản, tình hình dịch bệnh thủy sản tại địa phương, chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và UBND các cấp tổ chức thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả “Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 2635/BNN-TY ngày 07/5/2021 của Bộ NN&PTNT.

2. Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cấp đủ kinh phí bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; đẩy mạnh giám sát chủ động kịp thời cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng vùng, chuỗi sản xuất thủy sản, cơ sở sản xuất thủy sản giống an toàn dịch bệnh.

3. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y, thuỷ sản của địa phương, phối hợp với chính quyền cơ sở chủ động bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, phương châm “phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa” để chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi, kiểm soát các mối nguy (sử dụng con giống chất lượng, đã được kiểm dịch thú y; xử lý nước cấp, nước thải theo quy trình kỹ thuật; quản lý tốt ao nuôi; bổ sung vitamin, khoáng chất, sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học được phép lưu hành để tăng sức đề kháng cho động vật thủy sản và đảm bảo môi trường nuôi an toàn); tổ chức lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh, gắn với công tác kiểm dịch con giống và xây dựng an toàn dịch bệnh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thống kê, báo cáo, đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; chấn chỉnh công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh thủy sản, đặc biệt tại cấp thôn/ấp, cấp xã và cấp huyện.

4. Tiếp tục thành lập các Đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm về nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt những nơi bị thiệt hại, dịch bệnh hoặc khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.

5. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức và ý thức về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi, đặc biệt là về chất lượng con giống, xử lý nguồn nước, lấy mẫu giám sát xét nghiệm bệnh trong cơ sở nuôi, các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh trong cơ sở, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

6. Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là cấp xã và cấp huyện theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y; Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030.

Kim Khánh