Tăng cường kết nối, thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực hải sản Na Uy - Việt Nam
04/12/2023 - 10:43 | Giá cả, thông tin thị trường
Vừa
qua, Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) lần đầu tiên tham dự vào sự kiện hội chợ
thường niên Vietfood & Beverage - Propack 2023 tại Hà Nội. Sự
kiện quan trọng này một lần nữa nhấn mạnh cam kết của NSC trong việc tăng cường
mối kết nối và thúc đẩy hợp tác thương mại trong lĩnh vực hải sản giữa Na Uy và
Việt Nam.
Đề
cao sự đổi mới và các cơ hội hợp tác, gian hàng triển lãm của NSC tại Vietfood
& Beverage - Propack 2023 mang đến cơ hội để các nhà xuất khẩu
hải sản của Na Uy giới thiệu những sản phẩm đa dạng và chất lượng hàng đầu thế
giới của mình. Đồng thời, các đối tác Việt Nam có cơ hội khám phá các nhà cung
cấp mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Đây
cũng là lần đầu tiên, 8 nhà sản xuất và xuất khẩu hải sản hàng đầu của Na Uy
đến Việt Nam để tham dự trực tiếp vào các hoạt động của NSC, thúc đẩy các cơ
hội hợp tác với các đối tác tiềm năng tại thị trường Việt Nam, bao gồm Salmar,
Seaborn, Leroy, Coast, Cape Fish, Hofseth, Pure Na Uy Seafood và Star Seafood.
Một
trong những hoạt động trọng tâm của NSC tại Hội chợ là “Học viện Cá hồi”, nơi
những người tham dự có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ đến từ Tiến sĩ
Asbjørn Warvik Rørtveit, giám đốc khu vực Đông Nam Á của NSC, với nội dung đi
sâu toàn diện về quy trình chăn nuôi của cá hồi Na Uy với các quy định nghiêm
ngặt và công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới.
Tiến
sĩ Rørtveit đã giải thích một cách chi tiết về những đặc điểm nổi bật cá hồi Na
Uy trên thị trường. Bên cạnh đặc thù về hương vị tươi ngon, kết cấu tinh tế và
giá trị dinh dưỡng cao, tất cả sản phẩm cá hồi Na Uy đều xuất phát từ cam kết
thực hành phát triển bền vững và tích hợp các công nghệ tiên tiến. Những chia
sẻ này đã mang đến những thông tin hữu ích dành cho khách mời cũng như dành sự
biết ơn sâu sắc đến tập thể những người lao động đã góp sức tạo ra cá hồi Na Uy
- loại sản phẩm trứ danh toàn cầu.
Những
người tham dự sự kiện đồng thời được thưởng thức Chương trình trình diễn ẩm
thực hấp dẫn với đầu bếp danh tiếng Jimmy Chok đến từ Singapore. Lấy cá hồi Na
Uy làm trọng tâm, đầu bếp Jimmy đã chia sẻ nhiều hiểu biết sâu sắc, từ bối cảnh
lịch sử của loại hải sản tinh tế này đến các kỹ thuật thiết yếu để xử lý các
sản phẩm cá hồi, đảm bảo chúng được vận chuyển nhanh chóng từ nhà cung cấp đến
nhà hàng hoặc nhà bán lẻ, từ đó giữ được sự tươi ngon của cá hồi.
Ông
Jimmy Chok cũng đã chia sẻ những lời khuyên thiết thực đến khách mời, bao gồm
nghệ thuật sơ chế cá hồi để đảm bảo giữ được tối đa phần thịt cá, khám phá các
phương pháp nấu ăn khác nhau và thảo luận về các phương pháp bảo quản hiệu quả,
cho dù là cá hồi tươi hay đông lạnh. Những chia sẻ của đầu bếp Jimmy đã mang
đến cho khách tham dự những kiến thức mới mẻ và hữu ích về nghệ thuật chế biến
cá hồi Na Uy.
Sau
những chia sẻ sâu sắc như một “món khai vị” đầy tinh tế, đầu bếp Jimmy đã phục
vụ khách tham dự món ăn làm từ cá hồi Na Uy với hương vị tuyệt hảo do chính tay
ông chuẩn bị: Cá hồi Na Uy tươi với bơ và dầu thảo mộc; Cá hồi Na Uy thái hạt
lựu cùng rượu gạo đậu nành, Kombu (tảo bẹ) và hành lá; Cá hồi Na Uy với đậu
nành Yuzu, ớt Jalapeño và rau mùi.
Phát
biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Asbjørn đã nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản của ngành
thủy sản Na Uy. Ông cho biết: “Nền tảng của ngành hải sản Na Uy là cam kết phát
triển có trách nhiệm và duy trì sự cân bằng tự nhiên trong môi trường của chúng
ta. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam
nguồn hải sản chất lượng cao và đáng tin cậy, mà còn thúc đẩy sự hợp tác trong
việc bảo vệ hệ sinh thái sinh thái biển, góp phần đảm bảo sự bền vững lâu dài
của ngành hải sản”.
Với
tư cách là Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Thủy sản Na Uy trong những
năm qua, ông Asbjørn đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về tiêu dùng hải sản
nội địa tại thị trường Việt Nam. Xu hướng gia tăng này cho thấy nhu cầu ngày
càng lớn đối với hải sản Na Uy tại Việt Nam và phản ánh nhận thức và ghi nhận
ngày càng cao về các giá trị mà ngành hải sản Na Uy đại diện.
Trong
tháng 9/2023, Na Uy đã xuất khẩu 8.988 tấn hải sản, trị giá 23,7 triệu USD sang
Việt Nam; tăng 16% về lượng và 28% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống
kê từ đầu năm đến nay cho thấy, Việt Nam đã nhập khẩu 42.242 tấn hải sản từ Na
Uy, trị giá 142 triệu USD, tang 8% về khối lượng và 23% về giá trị so với cùng
kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng, song hành
cùng quy mô dân số và sự gia tăng về thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam.
“Do
đó, Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu hải sản Na Uy,
luôn giữ vững vị thế là nước nhập khẩu hải sản Na Uy hàng đầu tại Đông Nam Á.
Trong thời gian tới, NSC cam kết hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam
để gia tăng giá trị kinh tế, đồng thời duy trì sự đảm bảo rằng hải sản Na Uy có
mặt tại Việt Nam luôn có được nguồn gốc và chất lượng đẳng cấp thế giới”, ông
Asbjørn khẳng định.
Là
nước xuất khẩu hải sản lớn thứ hai thế giới, có đường bờ biển trải dài hơn
101.000 km, Na Uy cung cấp 40 triệu bữa ăn hải sản hàng ngày cho 150 quốc gia
trên toàn cầu. Ngành hải sản Na Uy đặt việc quản lý tài nguyên biển có trách
nhiệm làm cốt lõi, chuyển từ đánh bắt không hạn chế sang các quy định nghiêm
ngặt và thiết lập các tiêu chuẩn để quản lý các nguồn lợi từ biển một cách bền
vững.
NSC
là cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Hải sản Na Uy. NSC hợp tác
với ngành đánh bắt và nuôi trồng hải sản Na Uy để phát triển thị trường cho hải
sản Na Uy, là đại diện cho toàn bộ ngành hải sản của Na Uy cũng như các nhà
xuất khẩu hải sản của đất nước. Nhãn hiệu “Hải sản từ Na Uy” là biểu tượng xuất
xứ của hải sản Na Uy được đánh bắt hoặc nuôi dưỡng tại vùng nước lạnh trong vắt
của Na Uy.
Thúy Nga (nguồn Tổng cục Thủy sản)