Tăng cường hợp tác Việt – Pháp trong lĩnh vực thủy sản
24/05/2021 - 08:04 | Giá cả, thông tin thị trường
Hai
tuần trước, Việt Nam đã đồng ý ký tiếp nhận khoản viện trợ của Pháp. Cụ thể là,
ngày 24/3/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (MARD) đã gửi
thư đến Đại sứ quán Cộng hòa Pháp. Qua đó, thể hiện việc Việt Nam đồng ý ký
tiếp nhận khoản viện trợ xây dựng nghiên cứu khả thi Dự án “Xây dựng hệ thống
thông tin địa lý nuôi trồng thủy sản quốc gia – NAGIS”. Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn Việt Nam gửi lời chào trân trọng tới Đại sứ quán Pháp và đánh
giá cao sự hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Cộng
hòa Pháp trong thời gian qua.
Lãnh
đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, đã trực tiếp chỉ
đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu các nội dung được đề cập trong Thư của Đại
sứ quán Pháp (ngày 13/01/2021); Theo đó, đã trao đổi với Đại sứ quán Pháp như
sau: (1) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhất trí chủ trương
tiếp nhận khoản tài trợ thông qua Tập đoàn CLS của Pháp để xây dựng nghiên cứu
khả thi Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý nuôi trồng thủy sản quốc gia
– NAGIS”. (2) Bộ đã chỉ định đơn vị ký tiếp nhận khoản viện trợ: Vụ Hợp tác
quốc tế và Tổng cục Thủy sản sẽ thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Việt Nam (để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, hai bên không tổ chức lễ ký mà
sử dụng hình thức ký trao tay).
Tổng
cục Thủy sản là đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chỉ
định làm đầu mối để phối hợp với Tập đoàn CLS của Pháp, hoàn thiện nội dung văn
kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê
duyệt theo quy định của luật pháp Việt Nam. Vụ Hợp tác quốc tế là đơn vị được
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định là đầu mối để đàm phán với Đại
sứ quán Pháp về các thủ tục tiếp nhận và thực hiện khoản viện trợ trên. Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn về sự hợp tác hiệu quả
của Đại sứ quán Pháp thời gian qua trong lĩnh vực Nông nghiệp nói chung và
khoản hỗ trợ này nói riêng. Phía Việt Nam hy vọng Dự án tiền khả thi được xây
dựng với chất lượng cao để Dự án NAGIS sớm được vận động, triển khai thực hiện,
góp phần hỗ trợ ngành Thủy sản Việt Nam.
Tổng
cục Thủy sản đón tiếp đoàn đại biểu của Đại sứ quán Pháp: Tham dự buổi tiếp đón ngày 07/4/2021, phía Việt Nam có ông
Trần Đình Luân (Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản), bà Nguyễn Thị Trang Nhung
(Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế), ông Như Văn Cẩn (Vụ
trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản), ông Lê Trung Kiên (Giám đốc Trung tâm Thông tin
thủy sản). Về phía đoàn đại biểu Đại sứ quán Pháp, có ông Laurent Chopiton
(Quyền trưởng cơ quan kinh tế, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam), bà
Marion Chaminade (Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam), và
bà Lý Mai An (Tùy viên Nông nghiệp, Cơ quan Kinh tế, Đại sứ quán Pháp tại
Việt Nam).
Chủ
đề trao đổi là các thông tin tổng quát trên các lĩnh vực: (1) Tổng quan
thủy sản Việt Nam; (2) Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam; (3) Nỗ lực của
Việt Nam trong việc tháo gỡ “thẻ vàng”; Các dự án của Pháp có thể hỗ trợ gì
trong lĩnh vực này; (3) Dự án hợp tác song phương Việt - Pháp, bắt đầu là Dự án
“Xây dựng hệ thống thông tin địa lý nuôi trồng thủy sản quốc gia – NAGIS” giữa
Tập đoàn CLS của Pháp và Tổng cục Thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Việt Nam); (4) Dự án tiếp theo liên quan đến thức ăn thủy sản (từ côn
trùng): Nhu cầu của Việt Nam đối với sản phẩm này như thế nào; Liệu dự án thứ
hai có khả thi không.
Tổng
cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đã bày tỏ sự vui mừng và trân trọng
sự hợp tác trong lĩnh vực Thủy sản trong những hoạt động hết sức thiết thực.
Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết, trong “Chiến lược phát triển thủy sản Việt
Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11
tháng 03 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ) đã nêu định hướng phát triển nuôi
trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, tạo khối lượng
sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, phát
triển nuôi trồng vi tảo, rong biển phục vụ nhu cầu thực phẩm và cung cấp nguyên
liệu cho các ngành kinh tế khác: mỹ phẩm, dược phẩm...
Một
trong những Đề án ưu tiên trong “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là: Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên
biển. Theo đó, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển thành một
lĩnh vực sản xuất quy mô hàng hóa, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Ngoài
ra, Luật Thủy sản 2017 (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2017) cũng đã quy định rõ
ràng, chi tiết các vấn đề liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản trên
biển. Điều đó cho thấy, Việt Nam khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản
trên biển. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đã
xác định Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực trọng điểm; Tập trung phát triển
nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng hiệu quả, bền vững.
Vì vậy, Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý nuôi trồng thủy sản quốc gia
– NAGIS” là nội dung mà Tổng cục Thủy sản rất quan tâm.
Liên
quan đến lĩnh vực Khai thác thủy sản, Việt Nam đã rất nỗ lực trong vấn đề khắc
phục cảnh báo “thẻ vàng”, thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Đã
thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không
báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU); Trưởng Ban là Phó
Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban thường trực là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn. Đã xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng
các yêu cầu và quy định quốc tế. Đã tăng cường công tác giám sát tàu cá, lắp
đặt thiết bị giám sát hành trình; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát tại
các cảng cá; Quản lý thông tin để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo
hải sản qua cảng là hợp pháp; Kiểm tra nguyên liệu nhập khẩu; Tích cực tham gia
các diễn đàn hợp tác đa phương; Có đường dây nóng để giải quyết những vấn đề
liên quan đến IUU… Tuy nhiên, vẫn còn một khó khăn lớn là “tàu cá vi phạm vùng
biển trong khu vực” liên quan đến vùng biển chồng lấn (chưa phân biệt rõ ranh
giới và chủ quyền trên biển). Việt Nam hy vọng châu Âu sẽ xem xét và đánh giá
đúng thực trạng. Việt Nam luôn mong muốn EC rút “thẻ vàng” càng sớm càng tốt.
Đối
với vấn đề này, ông Laurent Chopiton cho biết, là những thông tin rất mới đối
với đoàn công tác của Đại sứ quán Pháp. Ông hứa rằng khi làm việc với EC, đoàn
công tác nhất định sẽ đề cập các nội dung trên. Ông Laurent Chopiton cảm ơn vì
những thông tin đầy đủ mà phía Tổng cục Thủy sản đã cung cấp. Bà Marion Chaminade
thì một lần nữa khẳng định: Hợp tác Việt – Pháp đã rất thành công trong những
năm qua. Bà mong muốn sự hợp tác này sẽ tiếp tục thành công trong tương lai.
Đây mới chỉ là buổi gặp gỡ, tìm hiểu và trao đổi thông tin bước đầu giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực Thủy sản. Nhìn chung đã đạt được sự hiểu biết đôi bên. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Biển của Pháp sẽ sang thăm Việt Nam (dự kiến là trong tháng 5 tới), hứa hẹn sẽ làm việc nhiều hơn với Việt Nam ở lĩnh vực Thủy sản. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản mong muốn Bộ trưởng Bộ Biển của Pháp sẽ có thêm tiếng nói với EC trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản của Việt Nam
Nguyễn Bình (nguồn: tổng cục thủy sản)