Tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá trên địa bàn tỉnh

31/10/2022 - 15:49 | An toàn thực phẩm

Nhằm tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 12537/UBND-VP ngày 10/10/2022 chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nội dung sau:

I. Đối với giá cả hàng hóa thị trường:

1. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi nguồn cung lương thực, thực phẩm, đảm bảo cân đối cung cầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, tránh để tăng giá cục bộ. Khi các mặt hàng nông sản ứ đọng, cần hỗ trợ kết nối tiêu thụ, Sở Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo các hệ thống phân phối thuộc ngành Công Thương hỗ trợ tiêu thụ, phân phối sản phẩm nông sản.

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp, theo dõi tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo các địa phương sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo nguồn cung trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp các mặt hàng nông sản có dấu hiệu cung vượt cầu do ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khách quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan để xây dựng kịch bản tiêu thụ, đề xuất cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

3. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan giám sát giá vật liệu xây dựng, đặt biệt là giá thép, đất, cát xây dựng,... nhằm chống độc quyền, đầu cơ găm hàng, nâng giá vật liệu xây dựng; đảm bảo nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh.

4. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, điều hành cung cầu hàng hóa thiết yếu, nhằm ổn định tâm lý người tiêu dùng, doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp Công an tỉnh xử lý nghiêm các hành vi phát tán thông tin sai lệch sự thật, gây hoang mang trong dư luận.

5. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng đất. Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để các chủ đầu tư triển khai dự án.

6. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường rà soát giá thuốc, vật tư y tế, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc và vật tư y tế với giá hợp lý phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng chống dịch.

7. Giao các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế; Cục Thống kê tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện báo cáo giá cả thị trường theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 1602/UBND-VP ngày 27/02/2019 về việc triển khai thực hiện Thông tư số 116/2018/TT-BTC ngày 28/11/2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ báo cáo giá thị trường.

8. Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác theo dõi diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn để có các biện pháp bình ổn giá theo quy định, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác phân phối hàng hóa để tránh hiện tượng sốt giá cục bộ do khan hiếm hàng hóa.

9. Đối với các hàng hóa do nhà nước định giá tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt. Đối với những hàng hóa, dịch vụ có đề xuất điều chỉnh giá trong thời gian tới, giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tính toán, chuẩn bị kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá để có phương án giá cụ thể, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định mức độ điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh cho phù hợp.

II. Đối với việc kiểm tra chấp hành về giá

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác giám sát việc kê khai, niêm yết giá và công khai thông tin về giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, phân bón và hạt giống.

2. Giao Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giá mua các thiết bị, vật tư y tế, thuốc phục vụ phòng chống dịch; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các dịch vụ, hàng hóa thuộc lĩnh vực y tế, đặc biệt là mặt hàng kit test nhanh Covid-19; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện mức giá thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 16/2021/TT-BYT ngày 08/11/2021 quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2.

3. Giao Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và kinh doanh đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, rà soát việc tăng giá, giảm giá phải phù hợp với diễn biến và cơ cấu của chi phí xăng dầu trong chi phí vận tải.

4. Giao Cục Quản lý thị trường tỉnh (Thường trực Đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập theo Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh) tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo giá niêm yết, chú trọng kiểm tra những dịch vụ, hàng hóa có dư luận báo chí và xã hội phản ánh; kiểm tra việc thực hiện đăng ký, kê khai và công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

5. Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện niêm yết giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về giá tại địa bàn theo quy định tại Quyết định số 35/2017/QĐ-UBND ngày 22/11/2017 của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý giá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các quy định pháp luật về giá; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình giá cả thị trường, công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất, vật tư y tế phòng dịch, sản phẩm nông nghiệp, giá cước vận tải,...; phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

VTH