Tăng cường các biện pháp an toàn sinh học trong sản xuất nông nghiệp
24/02/2022 - 15:04 | Xúc tiến thương mại
Những năm qua, công tác phòng chống dịch bệnh động vật đã được các
địa phương quan tâm, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Kết
quả là các loại dịch bệnh trên động vật đã cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều
kiện thuận lợi cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển, bảo đảm nguồn
cung thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, các tháng đầu năm 2022 là thời
gian cao điểm về tái đàn vật nuôi và bắt đầu thời vụ nuôi trồng thủy sản, thời
tiết giao mùa nên dễ phát sinh dịch bệnh động vật. Cùng với đó là những khó
khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, thời tiết biến đổi theo hướng cực đoan, ô
nhiễm môi trường, hạ tầng phục vụ chăn nuôi và nuôi trồng thủy thủy sản chưa
đáp ứng yêu cầu sản xuất, mầm bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành tại nhiều địa phương,
hoạt động giao lưu thương mại, vận chuyển động vật/ sản phẩm động vật gia
tăng... nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra rất cao.
Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh
nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa
ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn Phùng Đức Tiến đã đề nghị các địa phương ưu tiên bố trí các nguồn lực để
tập trung tổ chức hiệu quả các Đề án, Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng,
chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực
hiện. Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm bổ sung vắc xin phòng các
bệnh trên động vật, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80%, đặc biệt với các bệnh nguy
hiểm; Đồng thời, hướng dẫn người nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn
nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học; thường xuyên chủ động vệ sinh, sát
trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.
Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản (nhất là
tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao) để phát
hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh. Xử lý nghiêm
các trường hợp giấu diếm, không khai báo, dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây
thiệt hại và bức xúc cho người dân và cộng đồng. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn yêu cầu thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật trên
Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (Hệ thống VAHIS); thống nhất chỉ
đạo sử dụng số liệu dịch bệnh trên Hệ thống VAHIS để tổng hợp, báo cáo theo yêu
cầu của các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt, không phát sinh biểu mẫu báo
cáo để giảm áp lực cho các cơ quan, lực lượng thú y các cấp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương tập trung, đẩy
mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh;
nhất là các chuỗi, các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y
thế giới (OIE) nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Tăng
cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động
vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản
phẩm động vật trái phép qua biên giới. Chủ động phối hợp với các cơ quan quản
lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện
và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, chế biến các sản phẩm
không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã
và thôn, bản, ấp; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong
công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định.
Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng,
buôn bán các loại vắc xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật
hiện hành; xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh,
trữ hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc xin để
tiêm phòng cho vật nuôi. Khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh
phí để tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022.
Bố trí kinh phí và tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm
vào cùng một thời điểm trên phạm vi toàn tỉnh để bảo đảm hiệu quả; bố trí kinh
phí dự phòng; cung ứng hóa chất bằng nguồn ngân sách địa phương để chủ động xử
lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.
Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình
thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và
các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp.
Nguyễn Bình