Sử dụng hiệu quả nguyên phụ liệu có sẵn tại địa phương để giảm giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi

21/03/2022 - 10:29 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Đó là một trong những giải pháp phát triển chăn nuôi heo bền vững trong thời điểm giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong thời gian gần đây.

Ngày 18/3/2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến đã chủ trì Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại điểm cầu Hà Nội.

NGÀNH CHĂN NUÔI GỒNG MÌNH TRƯỚC BÃO GIÁ

Theo Cục Chăn nuôi, trong thời gian qua tăng trưởng đàn heo của nước ta có sự biến động mạnh về tổng đàn và sản lượng sản xuất. Hiện tổng đàn heo trên cả nước đạt 28,159 triệu con, sản lượng thịt heo đạt 4,18 triệu tấn. Tính trong giai đoạn 2015-2021 thì tổng đàn heo tăng bình quân 0,2%/năm, số heo thịt xuất chuồng tăng 0,3%/năm và tổng sản lượng thịt heo tăng 2,8%/năm. Mặc dù tổng đàn nái giảm bình quân 3,5%/năm nhưng số lượng heo thịt xuất chuồng và sản lượng thịt tăng điều này chứng tỏ tính hiệu quả của việc áp dụng công tác giống và quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi đã góp phần tăng năng suất sinh sản và trọng lượng xuất chuồng của heo thịt. Do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi dẫn đến nguồn cung thịt giảm và phải tiến hành nhập khẩu, chỉ tính riêng trong năm 2021, Việt Nam nhập 346.000 con heo sống, 143.463 tấn thịt từ các nước Nga, Braxin, Mỹ, Đức, Ba Lan và chỉ xuất khẩu được khoảng 5.000 tấn heo sữa, heo choai qua thị trường Hồng Kông, Trung Quốc, Malaysia…

Một tín hiệu đáng mừng đó là chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi có quy mô lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị. Cả nước có 20.863 cơ sở chăn nuôi với tổng đàn 11,7 triệu con và 5,8 triệu con của 16 doanh nghiệp, đơn vị chăn nuôi quy mô lớn trong nước và nước ngoài đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi.

Trong thời gian vừa qua, ngành chăn nuôi heo trên cả nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc còn tiềm ẩn, đặc biệt là khủng hoảng tại Đông Âu đã làm tăng giá cả nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là khó khăn và thách thức đối với ngành chăn nuôi do chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm từ 65-70% giá thành sản xuất, tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng từ 18-22%, mặc dù giá heo giống đã giảm từ 2,6 triệu xuống 1,2 triệu đồng/con nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận của người chăn nuôi heo giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ. Bên cạnh đó quy mô chăn nuôi nhỏ vẫn còn chiếm tỷ trọng cao (78%), việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh và khả năng ứng phó với thông tin thị trường chưa tốt của người chăn nuôi là hạn chế lớn, gây nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng như dự báo thị trường, hầu hết người chăn nuôi còn bị động và phụ thuộc vào thương lái, người tiêu thụ trung gian.

Về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, năm 2021, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi của cả nước khoảng 33 triệu tấn, trong khi đó trong nước mới chỉ cung cấp được 13 triệu tấn (40%), phần lớn lượng nguyên liệu còn lại vẫn chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu. Do đó để phát triển bền vững và đặc biệt trong thời điểm giá cả thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và dịch bệnh tiền ẩn nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào, Cục Chăn nuôi khuyến cáo, ngành chăn nuôi cần từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ việc tận dụng các loại phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích doanh nghiệp và người chăn nuôi áp dụng khoa học - công nghệ, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý để giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, cải tiến, nâng cao chất lượng con giống trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ CỦA TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Theo Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết “Với tổng đàn heo 418.750 con và hơn 6,78 triệu con gia cầm các loại, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, nguồn thức ăn chăn nuôi hầu hết phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ các tỉnh thành khác. Vì vậy, trong thời gian tới, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chắc chắn gặp phải khó khăn thách thức do biến động của thức ăn chăn nuôi.

Do đó, để hỗ trợ người chăn nuôi ổn định sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ban ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Trong đó cần chú trọng rà soát, đánh giá quy mô, chất lượng đàn vật nuôi để tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp với Đề án cơ cấu lại ngành chăn nuôi của tỉnh và phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội, đảm bảo mật độ chăn nuôi của từng địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, chuyển giao kỹ thuật để người chăn nuôi biết cách sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các loại thức ăn chăn nuôi, tận dụng nguồn nguyên phụ liệu sẵn có tại địa phương để phối trộn làm thức ăn chăn nuôi. Đồng thời khuyến khích các trang trại, doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong chăn nuôi nhằm làm giảm giá thành sản xuất chăn nuôi trong tình hình mới.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y