Singapore thông qua đạo luật mới về an toàn thực phẩm
20/03/2025 - 08:47 | An toàn thực phẩm
Thương vụ Việt Nam
tại Singapore cho biết, ngày 8/1 vừa qua, Quốc hội Singapore đã thông qua Đạo
luật về an toàn thực phẩm (ATTP) và an ninh lương thực mới (FSSA) nhằm mục đích
hợp nhất các luật và điều chỉnh phù hợp các quy định hiện hành liên quan đến an
ninh lương thực, tăng cường các biện pháp đảm bảo ATTP của
Singapore, đồng thời điều chỉnh hệ thống nông sản của nước này nhằm thích ứng với
biến đổi khí hậu cũng như sự phát triển của các loại thực phẩm mới. FSSA thay
thế và hợp nhất quy định tại 8 đạo luật hiện hành.
FSSA yêu cầu các
nhà nhập khẩu và kinh doanh một số loại thực phẩm phải xin giấy phép; yêu cầu
các thương nhân kinh doanh thực phẩm phải lưu giữ hồ sơ để có thể truy xuất nguồn
gốc hoặc thu hồi; yêu cầu các doanh nghiệp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi phải
xây dựng “Kế hoạch kiểm soát”, nêu rõ các chiến lược để đạt được ATTP; thiết lập
khuôn khổ quản lý để phê duyệt trước khi đưa ra thị trường đối với "thực
phẩm được xác định"; và tăng mức hình phạt tối đa đối với hành vi vi phạm.
Cụ thể, đối với
quy định về xin cấp phép: Hoạt động buôn bán thực phẩm thuộc diện phải kiểm
soát như: Thịt, trái cây và trứng… được hợp nhất trong Phần 3 của FSSA, với
cách tiếp cận hai cấp. Cấp độ đầu tiên, yêu cầu các thương nhân buôn bán thực
phẩm phải xin giấy phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu từ Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA).
Cấp độ thứ hai, yêu cầu mọi lô hàng nhập khẩu, xuất khẩu và trung chuyển phải
được cấp giấy phép để đảm bảo áp dụng các yêu cầu ATTP.
Để đảm bảo thu hồi
nhanh chóng các sản phẩm thực phẩm không an toàn, Phần 3 và Phần 4 của FSSA áp
dụng các yêu cầu về khả năng truy xuất nguồn gốc và lưu giữ hồ sơ đối với các
doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm được cấp phép. Người được cấp
phép phải duy trì quyền truy cập ngay lập tức vào thông tin về nhà cung cấp,
nhà sản xuất và mô tả hàng hóa; triển khai các quy trình để xác định và truy xuất
thực phẩm từ nhà cung cấp đến đơn vị chịu trách nhiệm tiếp theo; và triển khai
các quy trình thu hồi khi thực phẩm được phát hiện là không an toàn.
Quy định về lập “Kế
hoạch kiểm soát thực phẩm”: “Kế hoạch kiểm soát thực phẩm” là một trong những
điều kiện để được cấp phép chung cho các doanh nghiệp thực phẩm. Tất cả doanh
nghiệp thực phẩm không tham gia vào sản xuất phải thiết lập và triển khai “Kế
hoạch kiểm soát thực phẩm”, bao gồm thông tin liên quan đến vệ sinh của người
lao động; thiết kế, bảo trì và vệ sinh của cơ sở và trang thiết bị; xác định
các mối nguy hiểm có thể thấy trước trong quá trình xử lý thực phẩm và các hành
động khắc phục thích hợp. Yêu cầu tương tự cũng áp dụng cho giấy phép kinh
doanh thức ăn chăn nuôi.
FSSA ban hành danh
mục các “thực phẩm được xác định” gồm: thực phẩm mới, thực phẩm biến đổi gen và
các loài “có nguồn gốc côn trùng”. FSSA hợp nhất quy trình phê duyệt hiện nay đối
với các loại thực phẩm này thành quy định về phê duyệt trước khi
đưa ra thị trường. Cách tiếp cận này nhằm mục đích khuyến khích sự đổi mới của
các doanh nghiệp, đồng thời xây dựng lòng tin giữa người tiêu dùng và ngành
công nghiệp sản xuất.
FSSA tăng mức phạt
tối đa lên 50.000 đô la Singapore cho hành vi vi phạm liên quan đến ATTP.
FSSA sẽ được triển khai
theo từng giai đoạn để các doanh nghiệp có thời gian thích nghi. Các quy định về
"thực phẩm được xác định" dự kiến sẽ được triển khai vào cuối năm
2025 và triển khai đầy đủ các điều khoản khác dự kiến vào năm 2028.
Ông Cao Xuân Thắng,
Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến cáo, các hiệp
hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ những quy định mới
này khi thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa, thực phẩm liên quan đến thị trường
Singapore, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ nhằm giữ uy tín thương hiệu doanh nghiệp,
sản phẩm và tránh bị phạt.
Ngọc Hà.