Sầu riêng trồng xen sẽ không được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc
28/02/2024 - 11:12 | Thông tin doanh nghiệp cần biết
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả
Việt Nam (Vinafruit) cho biết, trước đây nông dân thường trồng xen sầu riêng
trong vườn cà phê, tiêu, bơ để bán nội địa, từ khi ký Nghị định thư và tiến
hành cấp mã số vùng trồng, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (NNPTNT) đã thông báo cho nhà vườn về thông tin này. Tuy nhiên, một
số nhà vườn có suy nghĩ nếu không xin được mã số vùng trồng thì bán nội địa, vì
ở Tây Nguyên sầu riêng xen với vườn cà phê là rất phổ biến. Hiện, giá sầu riêng
tăng mạnh và bà con xin mã số vùng trồng nhưng không được cấp nên họ bắt buộc
chặt bỏ hết các cây trồng xen chỉ giữ lại cây sầu riêng.
“Sầu riêng ở Tây Nguyên sinh lợi nhiều hơn so
với các nước xuất khẩu khác, như Thái Lan, Philippines và Malaysia, vì khi sầu
riêng ở Tây Nguyên cho trái chính vụ cũng là lúc các nước hết vụ nên giá bán
rất cao’’, Tổng thư ký Vinafruit nói.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt,
Bộ NNPTNT cho biết, Trung Quốc yêu cầu sầu riêng của Việt Nam phải đáp ứng yếu
tố chuyên canh mới được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang nước họ. Nếu bà con
thấy sầu riêng xuất khẩu mang lợi nhuận cao hơn cà phê thì có quyền chặt bỏ cây
cà phê giữ lại cây sầu riêng, khi nào giá cà phê cao lên lại thì trồng lại.
Trong quá trình bán sầu riêng nông dân bắt đầu ươm giống cây cà phê lại cũng
mất từ 1-2 năm sau đó đưa ra vườn sầu riêng trồng cũng phải mất từ 3-4 năm cà
phê mới cho trái.
Đến lúc đó sầu riêng đã khai thác khoảng 8 năm, biết
đâu lúc này Trung Quốc chấp nhận sầu riêng trồng xen thì tốt, không thì vườn
sầu riêng cũng đã khai thác trên dưới 8 năm, năng suất bắt đầu đi xuống. Đây
chính là tư duy kinh tế nông nghiệp mà Bộ đang khuyến khích người nông dân.
“Xét về kinh tế thị trường thì mặt hàng nào người mua
cần mới bán được, còn xét về lĩnh vực trồng trọt, khi sầu riêng trồng xen trong
vườn cà phê nếu sầu riêng chưa cho trái thì giữ cây cà phê để thu hoạch, đến
khi sầu riêng cho trái cần mã số vùng trồng cây cà phê cũng đã già cỗi, lúc đó
bà con có thể chặt bỏ cà phê để giữ lại sầu riêng”, ông Tùng nói.
Sầu riêng Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh
Thông tin thêm về thị trường xuất khẩu, Tổng thư ký
Vinafruit cho biết, trước đây tại thị trường Trung Quốc chỉ có sầu riêng của
Thái Lan và Việt Nam, còn Malaysia chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh
nhưng kể từ tháng 5/2024, Trung Quốc cho phép Malaysia xuất khẩu sầu riêng
tươi, như vậy, ngoài Thái Lan, sầu riêng Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh
Malaysia, khi đó người tiêu dùng Trung Quốc sẽ có thêm sự lựa chọn và nhu cầu
của họ đối với hàng Việt sẽ không còn cao như năm 2023.
Để giữ vững thị phần tại thị trường tỷ dân này, người
nông dân cần tăng cường chất lượng và đừng “hét” giá quá cao, khiến thương nhân
Trung Quốc đi tìm nguồn cung khác có giá cạnh tranh hơn để mua hàng.
Vinafruit dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024
đạt ít nhất 6 tỷ USD, trong trường hợp Cục Bảo vệ thực vật ký được Nghị định
thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thì kim
ngạch sẽ tăng thêm, nhưng do lo khả năng chế biến của các nhà máy đông lạnh
Việt Nam không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường nên ước kim ngạch xuất khẩu rau
quả đạt 6,5 tỷ USD.
“Trước đây Trung Quốc đã ký độc quyền xuất khẩu sầu
riêng đông lạnh với Thái Lan, vì vậy, trước khi cho Việt Nam xuất khẩu sầu
riêng đông lạnh sang họ phải rất cân nhắc. Ngoài ra, còn có những quy định về
điều kiện kỹ thuật đông lạnh, kỹ thuật chất lượng đóng gói... và vấn đề quan
trọng là giải trình như thế nào để khi Trung Quốc kiểm tra quy trình sản xuất
họ thấy an toàn thì sẽ đồng ý ngay”, ông Nguyên nói.
Ngọc Hà (Nguồn: Cục BVTV)