Sau ngô, giá lúa mì cũng đối mặt với nguy cơ tăng mạnh
29/05/2024 - 15:58 | Giá cả, thông tin thị trường
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
cho biết, giá lúa mì niêm
yết trên Sở Giao dịch Chicago (CBOT) của Mỹ kết thúc tuần giao dịch 6/5-12/5 ở
mức 243,8 USD/tấn, tăng 6,59% so với giá đóng cửa tuần trước đó. Đây cũng là
cao nhất của giá lúa mì kể từ cuối tháng 8/2023.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung
tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết, sau khi liên tục đi ngang trong giai
đoạn đầu năm, giá lúa mì CBOT đã bước vào xu hướng tăng từ nửa cuối tháng 4,
trong bối cảnh mùa vụ tại Nga - nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới - bất
ngờ bị thiệt hại bởi thiên tai. “Với tình hình mùa vụ hiện tại ở Nga, giá lúa
mì vẫn còn động lực tăng trong thời gian tới”, ông Quang Anh nhận định.
Nguồn cung lúa mì từ Nga chịu thiệt
hại nghiêm trọng
Tưởng chừng như Nga sẽ có một vụ lúa
mì bội thu thứ ba liên tiếp vào năm nay sau khi cây trồng trải qua mùa đông ấm
áp với điều kiện canh tác thuận lợi, nhưng tình hình nhanh chóng xấu đi vào
giữa tháng 4.
Miền nam nước Nga, nơi chiếm khoảng
40% tổng sản lượng lúa mì hằng năm của đất nước, đã phải đối mặt với tháng 4
khô hạn. Nhiệt độ cao hơn bình thường từ 4-6 độ C, trong khi lượng mưa thấp hơn
20-40% so mức trung bình đã nhanh chóng làm cạn kiệt độ ẩm đất ở khu vực này.
Không dừng lại ở đó, nước Nga bất ngờ
đón nhận một đợt sương giá khi bước vào tháng 5. Ba khu vực trồng lúa mì trọng
điểm của nước này là Lipetsk, Voronezh và Tambov đã ban bố tình trạng khẩn cấp
trước những ảnh hưởng nặng nề về vụ mùa. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Nga,
ít nhất 500.000ha ngũ cốc các loại bị thiệt hại hoàn toàn.
Trước tác động liên hoàn của tình
hình thời tiết bất lợi, năng suất cũng như chất lượng lúa mì năm nay của Nga đã
bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này buộc các đơn vị phân tích cắt giảm triển
vọng lúa mì niên vụ 2024-2025 của quốc gia này. Gần đây nhất, hãng tư vấn nông
nghiệp IKAR đã cắt giảm dự báo sản lượng lúa
mì năm nay của Nga xuống còn 86 triệu tấn, giảm tới 5 triệu tấn
so với ước tính trước đó.
Thời tiết khô hạn đe dọa lúa mì vụ
2024-2025 của Mỹ
Bên cạnh Nga, Mỹ cũng là một trong
những nước xuất khẩu lúa mì đóng vai trò quan trọng trên thị trường toàn cầu.
Vụ lúa mì năm nay của Mỹ được kỳ vọng sẽ hồi phục trở lại sau ba năm hạn hán
liên tiếp, góp phần mở rộng nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, rủi ro khô hạn một
lần nữa đe dọa vụ lúa mì của nước này.
Dữ liệu từ báo cáo giám sát hạn hán
của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, diện tích lúa mì vụ đông nằm trong vùng
ảnh hưởng của hạn hán của nước này đã gia tăng trong tháng 4. Nếu như chỉ có
khoảng 18% diện tích lúa mì đông của Mỹ bị hạn hán trong tuần kết thúc ngày
2/4, thì con số này đã lên đến 28% trong tuần kết thúc ngày 30/4.
Do sự mở rộng của hạn hán, chất
lượng lúa mì
Mỹ đã nhanh chóng suy giảm trong tháng 4. Trong báo cáo Tiến độ
Mùa vụ hằng tuần, USDA cho biết khoảng 49% diện tích lúa mì đông của nước này
đạt chất lượng tốt/tuyệt vời tính đến ngày 28/4, so với mức 56% được ghi nhận
vào ngày 31/3.
MXV cho biết, đánh giá chất lượng
lúa mì đông của Mỹ trong tháng 4 là dữ liệu nhận được rất nhiều sự quan tâm của
thị trường, bởi đây là thời điểm cây trồng vừa mới kết thúc quá trình ngủ đông
và bước vào giai đoạn phát triển năng suất quan trọng. Vì vậy, những số liệu
báo cáo kém lạc quan của USDA đã gây ra tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư và
góp phần hỗ trợ cho đà tăng của giá lúa mì CBOT trong thời gian vừa qua.
Triển vọng thị trường lúa mì Quốc tế
trong quý III/2024
Theo đánh giá của MXV, tình hình mùa
vụ tại Nga và Mỹ sẽ tiếp tục là yếu tố được chú ý nhiều nhất và có vai trò
quyết định xu hướng giá lúa mì trong thời gian tới.
Tại Nga, dự báo thời tiết cho thấy
các khu vực trồng lúa mì còn phải đối mặt với một đợt rét đậm nữa trong tháng
5. Do đó, thị trường có thể kỳ vọng rằng triển vọng sản lượng cũng như xuất
khẩu lúa mì của nước này sẽ tiếp tục bị cắt giảm trong giai đoạn tới.
Còn ở Mỹ, mặc dù chất lượng lúa mì
đông duy trì ổn định trong đầu tháng 5, nhưng vẫn còn hơn 1 tháng nữa trước khi
hoạt động thu hoạch bắt đầu. Theo dự báo của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, có
49% khả năng hiện tượng La Nina sẽ
xuất hiện trong giai đoạn từ tháng 6 tới tháng 8. La Nina thường mang lại khí
hậu khô và nóng hơn cho Mỹ, đe dọa gây thiệt hại về năng suất.
Trong bối cảnh mùa vụ ở Nga và Mỹ
vẫn phải đối mặt với rủi ro liên quan đến thời tiết, giá lúa mì thế giới có thể
duy trì xu hướng tăng ít nhất là cho tới tháng 7. Đây là thời điểm hoạt động
thu hoạch ở hai quốc gia này đã bắt đầu và giới phân tích sẽ có cơ sở để đánh
giá triển vọng nguồn cung toàn cầu rõ ràng hơn.
“Đối với Việt Nam, nhu cầu lúa mì
của nước ta phần lớn vẫn được đáp ứng bằng nguồn cung nhập khẩu. Vì vậy, việc
giá lúa mì thế giới tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường lương
thực nội địa. Đứng trước thách thức này, các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt
Nam cần lập kế hoạch mua hàng cho giai đoạn cuối năm ngay từ bây giờ, đồng thời
có biện pháp phòng hộ rủi ro về giá thông qua thị trường giao dịch hàng hóa”,
ông Quang Anh nhận định.
Thảo Nguyên