Sản lượng tôm toàn cầu sẽ lập kỷ lục trong năm 2023
09/03/2023 - 15:05 | Giá cả, thông tin thị trường
Báo cáo nuôi
trồng thủy sản toàn cầu mới của Rabobank “Điều gì sẽ xảy ra trong ngành nuôi
trồng thủy sản năm 2023” tóm tắt những vấn đề chính tại Hội nghị GOAL của Liên
minh Thủy sản Toàn cầu (GSA) năm 2022, được tổ chức tại Seattle, Washington, Mỹ
tháng 10/2022 - một trong những sự kiện được mong đợi nhất của ngành thủy sản.
Các chuyên gia trong ngành vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của ngành
nuôi trồng thủy sản trong năm 2023, mặc dù ngày càng có nhiều lo ngại về chi
phí và điều kiện thị trường. Nguồn cung tôm toàn cầu đang trên quỹ đạo tích
cực, điều này là nhờ sự tăng trưởng tích cực từ Ecuador. Trong khi đó sản lượng
cá hồi nuôi sẽ bình thường hóa trong thời gian ngắn.
Sản lượng tôm toàn cầu có thể
đạt 6 triệu tấn
Rabobank dự báo, sản lượng tôm toàn cầu có thể đạt 6 triệu
tấn trong năm 2023. Sản lượng tôm của Ecuador sẽ tăng 18 - 30%. Năm 2022,
Ecuador ước tính sản xuất khoảng 1,35 triệu tấn tôm, mức tăng trưởng khối lượng
trong một năm lớn nhất, bổ sung thêm 300.000 tấn vào nguồn cung. Theo Rabobank,
mức tăng trưởng này chỉ thấp hơn một chút so với tổng sản lượng hàng năm của
Thái Lan và sẽ nâng sản lượng ở châu Mỹ vượt quá 2 triệu tấn.
Trong khi đó, tại châu Á - khu vực có sản lượng tôm lớn nhất
thế giới, ghi nhận 2022 là năm đầu tiên sản lượng giảm kể từ 2013 với mức giảm
khoảng 0,1%. Tuy nhiên, Rabobank cho rằng, sản lượng tôm của khu vực này sẽ
tăng mạnh trở lại trong năm 2023, lên khoảng 4 triệu tấn nhờ Trung Quốc, Ấn Độ
và Việt Nam.
Novel Sharma, Nhà phân tích thủy sản tại Rabobank bày tỏ kỳ
vọng đối với ngành tôm toàn cầu trong năm 2023: “Nguồn cung tôm ước tính tăng
khoảng 4,2% trong năm 2022 và xu hướng này sẽ vẫn còn tiếp diễn trong năm 2023
với tăng trưởng đến từ Ecuador đi kèm cùng sự phục hồi mạnh mẽ 9,5% trong sản
xuất của Trung Quốc”.
Sản lượng cá hồi sẽ tăng trưởng
chậm lại
Trong lĩnh vực cá hồi nuôi Đại Tây Dương, sau một năm 2021
đầy biến động khi Na Uy tăng nguồn cung thêm 11,9% và Chilê tăng 7,7% thì trong
năm 2022 Rabobank dự kiến ghi nhận đợt giảm sản lượng cá hồi trên toàn cầu lần
đầu tiên kể từ năm 2016.
Sharma cho biết, nguồn cung cá hồi từ Na Uy và Chilê dự kiến
sẽ giảm lần lượt 0,9% và 0,3% trong năm 2022, sau đó là sẽ trở lại mức tăng
trưởng bình thường từ năm 2023 đến năm 2024, do cả hai nước đều sử dụng các
biện pháp kiểm soát tăng trưởng nguồn cung theo quy định. Sharma dự đoán, sản
lượng cá hồi toàn cầu sẽ tăng khoảng 4% trong cả năm 2023 và 2024, đạt gần 3
triệu tấn vào năm 2023 và sau đó vượt qua tổng sản lượng này vào năm 2024. Lũy
kế tăng trưởng nguồn cung cá hồi của Na Uy và Chilê từ năm 2022 - 2024 dự kiến
sẽ giảm xuống 3,1%, so với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 7% của thập
kỷ trước.
Sharma cho tằng, sự tăng trưởng thấp hơn về sản lượng cá hồi
của Na Uy và Chilê tạo cơ hội cho Iceland và Quần đảo Faroe trở thành những thị
trường cung cấp cá hồi tiềm năng hơn trong thập kỷ này. Sản lượng cá hồi ở Quần
đảo Faroe tăng 31% trong năm 2021, nhưng lại giảm 4% trong năm 2022 và có thể
sẽ giảm thêm 1% trong năm 2023. Tuy nhiên, Rabobank dự đoán, sản lượng cá hồi
Đại Tây Dương của Faroe sẽ tăng 10% vào năm 2024, đưa Faroes lập kỷ lục mới về sản
lượng. Đặc biệt, sản lượng cá hồi Đại Tây Dương của Iceland đã tăng 44% trong
năm 2021, đưa nước này trở thành nhà sản xuất tăng trưởng nhanh nhất tính theo
tỷ lệ phần trăm. Rabobank dự báo, sản lượng cá hồi Đại Tây Dương của Iceland
tăng 7,8% trong năm 2022 và sẽ tăng 6,2% trong năm 2023, đạt 51.000 tấn.
Xu hướng về cá rô phi, cá tra
Báo cáo của
Rabobank cũng cho thấy các xu hướng khác nhau đối với sản xuất cá rô phi và cá
tra. Châu Mỹ Latinh đang dẫn đầu về tăng trưởng sản lượng cá rô phi, mặc dù
khối lượng của khu vực này “vẫn còn nhỏ” so với Trung Quốc, Ai Cập và
Indonesia. Rabobank dự đoán sản lượng cá rô phi sẽ tăng 4,3% vào năm 2022 và
4,8% vào năm 2023 ở Mỹ Latinh, đạt 6,8 triệu tấn vào cuối năm 2023.
Trong khi đó, với cá tra, báo cáo cho thấy, nguồn cung cá
tra toàn cầu đã “sụt giảm” do sản lượng của Việt Nam - nhà sản xuất cá tra hàng
đầu đã chậm lại trong những năm gần đây. Mặc dù sản lượng cá tra của Việt Nam
ước tính tăng 3,1% vào năm 2022, đưa nguồn cung toàn cầu lên tới 2,8 triệu tấn,
nhưng tổng sản lượng vẫn dưới mức kỷ lục 3 triệu tấn được thiết lập vào năm
2019.
Chi phí thức ăn vẫn là mối quan
tâm lớn nhất
Theo khảo sát năm 2021 của Rabobank, thức ăn thủy sản và giá
cả thị trường là mối quan tâm hàng đầu của người nuôi trồng thủy sản trong vài
năm qua. Tuy nhiên Sharma cho rằng: “Thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã
biến động kể từ khi bắt đầu chiến tranh ở Ukraine. Điều này đã đẩy giá thức ăn
thủy sản tăng cao, khiến vấn đề này trở thành mối quan tâm hàng đầu của người
nuôi trồng thủy sản trong năm 2023, với kỳ vọng giá sẽ giảm bớt trong năm nay.”
Cũng theo Sharma, giá thức ăn chăn nuôi vẫn sẽ tăng trong
năm 2023 và ngành nuôi trồng thủy sản cũng vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với các
vấn đề khác liên quan đến chất lượng thức ăn chăn nuôi và khả năng tiếp cận tài
chính.
Rabobank dự đoán, các nhà sản xuất thủy sản và thức ăn thủy
sản cũng sẽ tiếp tục vật lộn với giá đầu vào tăng cao, sự gián đoạn chuỗi cung
ứng và những rắc rối địa chính trị trong năm 2023.
Thúy Nga – Chi cục TS (Nguồn tổng cục TS)