Sản lượng Ca cao vẫn lao dốc dù đạt được giá bán cực kỳ hấp dẫn

18/11/2024 - 21:41 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Được biết giá ca cao Việt Nam đã tăng kỷ lục lên 12.000 đồng/kg nhưng sản lượng lại giảm mạnh do diện tích trồng thu hẹp. Cùng với đó là bài toán “sản xuất bền vững và các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân đang là hướng đi tiềm năng cho ngành ca cao”.

Theo con số thống kê năm 2024, giá ca cao thế giới tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt, đẩy giá ca cao tại Việt Nam lên kỷ lục 12.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính dẫn đến việc giá tăng là do sản lượng ca cao giảm mạnh tại Bờ Biển Ngà và Ghana – hai nước sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, chiếm 54% sản lượng toàn cầu. Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến mùa vụ 2023/2024 tại các quốc gia này, gây nên sự thiếu hụt nguồn cung trên toàn thế giới, tạo áp lực tăng giá.

Tại Việt Nam, dù giá tăng cao nhưng diện tích trồng ca cao lại giảm đáng kể trong hơn một thập kỷ qua. Theo Cục Trồng trọt, diện tích ca cao năm 2023 chỉ còn 3.471ha, giảm sâu so với 25,7 nghìn ha năm 2012, và sản lượng cũng chỉ đạt 4.786 tấn hạt khô. Việc sản xuất ca cao gặp nhiều khó khăn do năng suất thấp và khó cạnh tranh với các loại cây khác, khiến nhiều nông dân tại các vùng trồng truyền thống như Đồng Nai, Đắk Lắk chuyển sang trồng cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày như cà phê, sầu riêng và bơ.

Dù sản lượng giảm, ngành ca cao Việt Nam vẫn có những tín hiệu lạc quan nhờ các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân nhằm xây dựng vùng sản xuất ca cao theo hướng tập trung, bền vững, nâng cao giá trị kinh tế.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, huyện Châu Đức đang là địa phương có vùng nguyên liệu ca cao lớn nhất của tỉnh. Cây ca cao đã bén rễ tại đây khoảng 20 năm trước. Diện tích trồng ca cao của huyện cũng tăng mạnh từ khoảng 300 ha trước năm 2020 lên 600 ha, tập trung tại các xã: Bình Giã, Bình Trung, Xà Bang, Kim Long, Quảng Thành…

Xác định ca cao là cây trồng chủ lực của huyện. Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều dự án, kế hoạch về phát triển cây ca cao với kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 5 tỷ đồng. Chẳng hạn như Dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm Ca cao của Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu quy mô 200 ha với 238 hộ dân; Kế hoạch hỗ trợ liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ca cao của Hợp tác xã Ca cao Châu Đức quy mô 50 ha với 80 hộ dân. Thông qua các Chương trình này, hỗ trợ tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao để phát triển cây ca cao cho nông dân… Qua đó giúp phát triển cây ca cao theo hướng bền vững, đạt mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có các doanh nghiệp chế biến Socola từ trái ca cao như công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ca cao Thành Đạt; công ty Cổ phần Binon Ca cao. Các công ty này đã đầu tư vào chuỗi sản xuất và chế biến sản phẩm chất lượng để xuất đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu,…kết hợp du lịch trải nghiệm cho khách tham quan.

Lài Nguyễn – Chi cục PTNT