RÀ SOÁT VIỆC THỰC HIỆN CHỐNG KHAI THÁC IUU ĐỂ CHUẨN BỊ ĐÓN ĐOÀN THANH TRA CỦA ỦY BAN CHÂU ÂU (EC)

31/10/2022 - 14:11 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Ngày 23-10-2017, Liên minh châu Âu (EU) đã rút “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) và nêu 09 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần phải thực hiện. Phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019, dù đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong ngăn chặn khai thác IUU nhưng vẫn tiếp tục đưa ra 04 nhóm khuyến nghị, đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục để chống khai thác IUU gồm: khung pháp lý; theo dõi kiểm tra hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật

 Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, dự kiến từ ngày 20 – 28/10/2022, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban Châu Âu (DG MARE) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện chống khai thác IUU. Đợt thanh tra lần này có tính chất quan trọng trong việc EC xem xét gỡ bỏ “thẻ vàng” sau gần 05 năm áp dụng biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Để chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra EC, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành đã lập Đoàn kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy định IUU đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trong thời gian vừa qua, cụ thể:

Về thực hiện kiểm soát nguồn nguyên liệu và hoạt động sản xuất

Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản đáp ứng quy định IUU đảm bảo được thực hiện trong toàn chuỗi, trong đó bao gồm các yêu cầu cụ thể về hồ sơ, cách thức kiểm soát: đối với nguyên liệu khai thác trong nước (Biên bản bốc dỡ tại cảng, xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguyên liệu, sản phẩm xuất khẩu); đối với nguyên liệu từ tàu khai thác/tàu trung chuyển/tàu đóng container nhập khẩu (hồ sơ nhập khẩu; biên bản kiểm tra của cơ quan nhà nước, các chứng nhận/xác nhận cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu, các thông tin về tàu khai thác, tàu chế biến, cơ sở xuất khẩu nhằm phục vụ cho việc kiểm soát nguyên liệu đáp ứng IUU trước khi nhập khẩu…)

Quy định cụ thể thủ tục theo dõi trừ lùi/cấn trừ và có hoạt động kiểm tra, đối khớp dữ liệu theo dõi với thực tế sản xuất đối với: nguyên liệu đưa vào sản xuất, nguyên liệu còn lại, thành phẩm đã xuất khẩu, chưa xuất khẩu; lượng bán thành phẩm lỗi, phụ phẩm ăn được, phụ phẩm chuyển mục đích sử dụng khác… nhằm minh bạch khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn chuỗi thực hiện quy định IUU; Tính toán và công bố đầy đủ các định mức sản xuất tương ứng với các sản phẩm thủy sản khai thác được sản xuất tại doanh nghiệp để dễ dàng theo dõi, thực hiện quản lý; Có biện pháp quản lý chặt chẽ tách biệt từ bảo quản, đưa vào sản xuất giữa nguyên liệu khai thác trong nước và nguyên liệu nhập khẩu để đảm bảo chống lẫn lộn trong tổ chức sản xuất.

Phân công thực hiện, lưu trữ hồ sơ

Thực hiện rà soát, sắp xếp hồ sơ đầy đủ các với các lô hàng xuất khẩu thủy sản khai thác vào EU từ 2020 đến nay, đảm bảo lưu trữ có hệ thống, dễ truy cập, đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu và nguồn gốc nguyên liệu khai thác trong nước theo chuỗi và khớp nối với hồ sơ theo dõi nguyên liệu khai thác từ các cơ quan quản lý.

Ngoài ra, do yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản và sản phẩm thủy sản đáp ứng IUU đòi hỏi xuyên suốt toàn chuỗi, do vậy các doanh nghiệp giao bộ phận đảm bảo chất lượng, ATTP (chuyên trách IUU) có đủ thẩm quyền, trách nhiệm để liên kết thông tin, dữ liệu với các bộ phận khác của doanh nghiệp (thu mua, kho bảo quản thành phẩm, nguyên liệu, bộ phận xuất, nhập khẩu…), tránh tình trạng đứt gẫy liên kết toàn chuỗi dữ liệu, gây khó khăn cho việc thực hiện yêu cầu truy xuất trên hồ sơ thực hiện và đối chiếu với thực tế sản xuất.

Theo đại diện một số doanh nghiệp, do tính chất đặc thù nên các doanh nghiệp thường phải mua nguyên liệu qua nậu vựa. Nhiều trường hợp doanh nghiệp mua nguyên liệu, chế biến xong, nhưng khi làm hồ sơ xuất khẩu mới biết nguyên liệu vi phạm. Vì vậy, để thực hiện chống khai thác IUU hiệu quả, đồng bộ trong toàn chuỗi, thì cơ sở dữ liệu về khai thác hải sản cần phải được kết nối, chia sẻ từ Chi cục thủy sản địa phương, Ban quản lý các cảng cá và doanh nghiệp chế biến.

                                                                                                         Bảo An