Phát triển mạnh ngành thuỷ sản để tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển quốc
15/01/2025 - 14:22 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến
2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành
trung tâm kinh tế biển quốc gia. Để thực hiện mục tiêu đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở
thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển
bền vững kinh tế biển, tỉnh xác định ngành thủy sản là một trong những ngành
đóng vai trò quan trọng, nhất là những bước chuyển đổi trong quy hoạch phát triển.
Mục tiêu chung đến năm
2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển thuỷ sản thành ngành kinh tế quan trọng
của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát
triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức
tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy
tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng
giá trị sản xuất thuỷ sản thời kì 2021 – 2030 đạt 4,24%/năm; tổng sản lượng thuỷ
sản là 352.500 tấn, trong đó, nuôi trồng đạt khoảng 22.500 tấn, sản lượng khai
thác đạt khoảng 330.000 tấn.
Trong lĩnh vực khai
thác, tỉnh tập trung tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển trên cơ sở
cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với vùng biển, môi trường tự nhiên,
nguồn lợi hải sản. Những năm gần
đây, tàu thuyền khai thác hải sản ngày càng được hiện đại hóa, có khả năng chịu
sóng, chịu gió, khai thác khơi xa và dài ngày trên biển. Nhiều tàu đã vươn khơi
xa thu hoạch được những loài có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh việc gia tăng sản
xuất, đội tàu còn góp phần tích cực trong bảo vệ an ninh, an toàn trên biển.
Hiện nay, tổng số tàu cá thuộc diện đăng ký quản lý của
tỉnh là 5.030 tàu
cá, với sản lượng khai thác trung bình hằng năm đạt 373.981 tấn/năm. Phần lớn các tàu cá được trang bị đồng bộ
máy móc tiên tiến, hiện đại, như máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu, vô
tuyến điện tầm xa... Tỉnh đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến
khích đầu tư, phát triển đội tàu khai thác xa bờ, chuyển mạnh sang ngư trường
đánh bắt xa bờ các loại hải sản có giá trị cao để làm nguyên liệu cho chế biến
xuất khẩu; qua đó giảm tỷ trọng hải sản giá trị thấp và giảm những nghề khai
thác gần bờ, gây suy giảm nguồn lợi thủy sản.
Việc thực hiện tốt các chính sách phát triển thủy sản
tạo động lực cho ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá, đầu tư ngư
cụ, thiết bị hiện đại khai thác vùng biển xa, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo
của Tổ quốc. Đồng thời, chủ động tổ chức đánh bắt phù hợp mùa, vụ và theo hình
thức tổ hợp tác, tổ đoàn kết sản xuất ổn định, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành các chủ
trương giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, duy
trì, phát triển nghề có tính thân thiện với môi trường; khuyến khích ngư dân
chuyển đổi từ nghề lưới giã cào sang các ngành, nghề khác; trong đó, phát triển
ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi ở vùng cửa sông và biển đảo.
Đối với lĩnh vực nuôi
trồng, sẽ phát triển các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nuôi trồng thủy sản
chất lượng cao gắn với các đối tượng nuôi chủ lực, có gi trị kinh tế; đặc biệt
là ưu tiên đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, phát
triển nuôi biển theo hướng công nghệ cao với quy mô sản xuất công nghiệp phục vụ
xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa. Thúc đẩy các chính sách tín dụng khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nuôi thủy sản, nuôi biển ứng dụng công
nghệ cao.
Song song đó là đẩy mạnh
phát triển ngành chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị, gắn chế biến, tiêu thụ với
vùng nguyên liệu khai thác, nuôi trồng thủy sản; ưu tiên phát triển các sản phẩm
giá trị gia tăng; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm thủy sản gắn với
thế mạnh, lợi thế của tỉnh. Tính đến tháng 12/2024, tổng diện tích nuôi trồng
thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 6.100 ha, sản lượng
nuôi trồng thủy sản đạt 22,661 tấn, tăng 4,9% tấn so với cùng kỳ 2023. Tỷ lệ
giá trị sản phẩm nuôi trồng được sản xuất theo các quy đình sản xuất tốt (GAP)
hoặc tương đương là 41,5%.
Một trong những yếu tố
góp phần thúc đẩy ngành thuỷ sản phát triển bền vững, đó là việc phát triển dịch
vụ hậu cần nghề cá, như đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ nghề cá; nâng
cấp các cảng cá; khuyến khích phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy
sản và nuôi trồng thủy sản trên biển, hình thành chợ đầu mối, cơ sở cế biến và
kho lạnh tại cảng cá; nhất là việc áp dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả
trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thuỷ sản.
Thời gian tới, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thực hiện có
hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản, khuyến khích phát triển hợp tác,
liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chính sách tín dụng khuyến khích
doanh nghiệp đầu tư vào nông lâm, ngư nghiệp trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt
quan tâm, ưu tiên các dự án nuôi thủy sản, nuôi biển ứng dụng công nghệ cao. Với
hàng loạt các giải pháp phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản
được tỉnh triển khai sẽ góp phần giúp Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những
trung tâm lớn về nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản trong thời gian
tới.
VTH