Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ngày càng được chú trọng và đầu tư có chiều sâu

16/02/2023 - 08:57 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức kinh tế, tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đem lại lợi ích không nhỏ cho thành viên, xã hội và Nhà nước. Sự hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã tạo nền tảng thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Chính điều này việc phát triển HTX xứng đáng được Nhà nước tiếp tục quan tâm và hỗ trợ đắc lực.


            Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh số lượng hợp tác xã đã đạt được là 113 HTX nông nghiệp với 3.411 thành viên và 2.397 lao động, cụ thể: 53 HTX trồng trọt, 05 HTX chăn nuôi, 26 HTX thủy sản, và 29 HTX tổng hợp. Tính đến ngày 15/12/2022, trên địa bàn tỉnh đã giải thể 03 HTX và thành lập mới 18 HTX (đạt 300% so với kế hoạch). Đáng chú ý, trong 113 HTX thì có 83 HTX đang hoạt động trên địa bàn các xã xây dựng Nông thôn mới, khẳng định vai trò và vị thế của HTX trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Sự phát triển của các HTX nông nghiệp đã thu hút và tạo công ăn việc làm trực tiếp hoặc gián tiếp cho nhiều lao động nông thôn và góp phần ổn định thu nhập của người lao động trong các HTX. Ngoài ra, các HTX nông nghiệp đã thể hiện có hiệu quả vai trò tập hợp, vận động bà con nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; từng bước thực hiện việc liên doanh, liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản cho thành viên và nông dân hướng đến góp phần hoàn thành các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Nông thôn mới.

Trong những năm trở lại đây, với mục tiêu thúc đẩy phát triển HTX gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã có nhiều HTX ứng dụng Công nghệ cao vào sản xuất tiêu biểu như:

+ HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngành nghề đăng ký kinh doanh của HTX là chiết xuất tinh dầu bằng công nghệ cao. Hiện nay, HTX đang liên kết với người dân tại địa phương và các địa phương khác trồng và thu hoạch sả để cung cấp cho HTX đồng thời ứng dụng các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, hiện đại trong chế biến, chiết xuất tinh dầu. Bên cạnh đó, HTX đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xây dựng mô hình liên kết cây ăn quả theo Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND trình cấp thẩm quyền phê duyệt triển khai thực hiện.

+ HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh: được thành lập năm 2021 với 7 thành viên. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng lúa và ứng dụng máy bay không người lái trong công đoạn phun thuốc BVTV giúp tiết kiệm thời gian, chi phí lao động, nâng cao hiệu quả và giúp tăng thu nhập HTX góp phần ổn định và cải thiện thu nhập cho thành viên HTX. Ngoài ra, HTX đang liên kết với các thành viên và người dân tại địa phương sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ cũng như đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mô hình liên kết lúa gạo theo Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND trình cấp thẩm quyền phê duyệt triển khai thực hiện.

+ HTX Chợ Bến: được thành lập đầu năm 2022 với 11 thành viên. Ngành nghề đăng ký kinh doanh là nuôi trồng thủy sản nội địa (sản phẩm chính là tôm), hiện nay HTX đang liên kết với các thành viên HTX nuôi tôm cũng như đăng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mô hình liên kết sản phẩm tôm theo Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND trình cấp thẩm quyền phê duyệt triển khai thực hiện.

+ HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt, được thành lập từ năm 1986, hiện nay với 1.089 thành viên, tổng diện tích canh tác lúa là 218 ha. Ngành nghề hoạt động chủ yếu của HTX là sản xuất lúa và cung ứng các dịch vụ cho thành viên HTX. Hiện nay, 20 ha lúa được HTX thực hiện canh tác sản xuất theo quy trình VietGap và đã được cấp giấy chứng nhận, phần diện tích đất sản xuất canh tác còn lại theo quy trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh thái, 3 giảm 3 tăng để đảm bảo sản xuất sạch, sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, HTX đang thực hiện liên kết với doanh nghiệp tư nhân Thịnh Thành bao tiêu sản phẩm lúa cho thành viên HTX.

+ HTX Bưởi da xanh Sông Xoài, được thành lập năm 2013, đến nay với 120 thành viên và tổng diện tích canh tác là 135 ha. HTX đã hướng dẫn các thành viên kỹ thuật, quy trình canh tác theo hướng VietGap cũng như bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Bên cạnh đó, HTX ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất và sản phẩm bưởi đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu Chứng nhận nên giá trị và chất lượng sản phẩm được nâng cao từ đó tăng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, giúp người nông dân sản xuất tăng thu nhập và ổn định đời sống. Hiện nay, HTX được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn lựa chọn làm HTX điển hình trong 66 HTX trên cả nước để xây dựng kế hoạch hỗ trợ mô hình HTX nông nghiệp điển hình giai đoạn 2022 – 2025.

Tiếp tục phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể, cũng như nâng cao nhận thức của người dân cũng như thành viên HTX về vai trò, vị trí và bản chất của HTX kiểu mới, lợi ích khi tham gia HTX. Năm 2023, phấn đấu để tăng thêm 8 HTX mới và xử lý dứt điểm các HTX hoạt động yếu kém; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về phát triển sản xuất gắn với du lịch và an toàn lao động trong sản xuất cho 405 học viên; hỗ trợ đưa 20 cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc có thời hạn tại HTX nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất và chế biến, bảo quản sản phẩm; số lượng HTX hoạt động xếp loại tốt, khá đạt 68% tổng số HTX.

Lài Nguyễn-Chi cục Phát triển nông thôn