Phấn đấu sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 47,3 triệu tấn

01/02/2023 - 14:53 | Giá cả, thông tin thị trường

Năm 2023, lĩnh vực trồng trọt phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2%; sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 47,3 triệu tấn,…

        Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm 2023, đối với lĩnh vực trồng trọt, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt đạt 115 triệu đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 47,3 triệu tấn.

          Trong đó, đối với cây lương thực, với cây lúa, phấn đấu diện tích đạt từ 7,1 - 7,2 triệu ha, thâm canh tăng năng suất để đạt sản lượng 43 - 43,5 triệu tấn. Với cây ngô, diện tích khoảng 870 nghìn ha, sản lượng 4,2 - 4,3 triệu tấn. Diện tích khoai lang 85 nghìn ha, sản lượng 1,1-1,2 triệu tấn. Cây sắn với diện tích 530 nghìn ha, sản lượng trên 11,13 triệu tấn.

          Đối với cây thực phẩm, tăng diện tích rau lên 1,02 triệu ha, sản lượng khoảng 19-19,7 triệu tấn. Diện tích đậu 130 nghìn ha, sản lượng 160 nghìn tấn.

          Với cây ăn quả, tăng diện tích lên 1,24 triệu ha, trong đó cây ăn quả chủ lực 895 nghìn ha. Cụ thể, diện tích cây chuối 159 nghìn ha, sản lượng 2,49 triệu tấn; diện tích cây xoài 118 nghìn ha, sản lượng 1,02 triệu tấn; diện tích cây cam 95 nghìn ha, sản lượng 1,8 triệu tấn; diện tích cây bưởi 109 nghìn ha, sản lượng 1,1 triệu tấn,...

          Đối với cây công nghiệp lâu năm, Bộ NN&PTNT cho biết, phấn đấu diện tích cà phê 710 nghìn ha, sản lượng 1,9 triệu tấn. Diện tích cây chè giữ ổn định ở mức 124 nghìn ha, sản lượng 1,1 triệu tấn. Diện tích cao su 930 nghìn ha, sản lượng 1,3 triệu tấn; diện tích cây điều 317 nghìn ha, sản lượng 354 nghìn tấn; cây hồ tiêu với diện tích 115 nghìn ha, sản lượng 290 nghìn tấn.

          Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tập trung thực hiện cơ cấu lại trồng trọt với 3 cấp sản phẩm theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy tiềm năng và lợi thế từng vùng, miền, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững; đặt sản xuất trồng trọt trong mô hình kinh tế tuần hoàn.

          Bên cạnh đó, sử dụng linh hoạt đất lúa để vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Hướng dẫn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có thị trường và thu nhập cao hơn, trọng tâm sang rau đậu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tăng cường dự báo và phòng trừ kịp thời, không để sâu bệnh phát sinh thành dịch, gây hại trên diện rộng, đặc biệt sâu bệnh gây hại trên lúa, cây điều.../.

                                                VTH (Nguồn:Dangcongsan.vn)