Nông sản Việt tìm cách chinh phục thị trường Bắc Âu

05/10/2022 - 14:52 | Giá cả, thông tin thị trường

Chiều 15/9/2022, trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 22 - AgroViet 2022, Tổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức “Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản tại thị trường Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu và kết nối kinh doanh nông sản quốc tế”.

            Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ hai Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản.

          Năng lực sản xuất nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 140 triệu tấn/năm, nhiều mặt hàng đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới.

          Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 8 tháng năm 2022 đạt hơn 36 tỷ USD, trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 2 tỷ USD như cà phê, tôm, gạo, điều, rau quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su.

          Tuy nhiên, nông sản Việt Nam vào thị trường EU chỉ từ 4-5% trong tổng số 160 tỷ USD nhập khẩu của thị trường này. Đặc biệt là các quy định khắt khe của EU về nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việt Nam đang thiếu thương hiệu lớn, sản phẩm vào EU chủ yếu dựa vào thương hiệu của nơi này. Bên cạnh đó, chưa có sự xuất hiện thường xuyên, định kỳ của doanh nghiệp Việt để nắm bắt thị trường, các biến động về chính sách, hàng rào kỹ thuật.

          Chia sẻ thông tin về thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, khu vực Bắc Âu gồm 5 nước: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland. Đây là những nước nhỏ nhưng có nền kinh tế mở và hiện đại. Dân số tuy ít nhưng có mức thu nhập cao.

          "Năm 2021, 3 nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy nhập khẩu khoảng 6,5 tỷ USD mặt hàng nông sản, trong đó rau củ quả là 4,8 tỷ USD; trà, cà phê, gia vị là 1,2 tỷ USD; ngũ cốc là 503 triệu USD. Tuy nhiên, số lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang 3 quốc gia này rất ít, qua đó có thể thấy dư địa Bắc Âu để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác còn rất lớn". Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển.

          Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết, người dân Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ với các phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động đến môi trường, giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản và các thực phẩm thay thế thịt. Bởi vậy, các sản phẩm thực phẩm có hàm lượng protein cao, có thể thay thế thịt rất dễ dàng được đón nhận.

                                                          VTH (t/hợp)