Nông sản Việt Nam đã được “hoà mạng” vào các sàn thương mại điện tử Trung Quốc
26/11/2024 - 20:37 | Thông tin doanh nghiệp cần biết
Tại
“Hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc và
Lễ ra mắt gian hàng nông sản Việt Nam trên các nền tảng thương mại điện tử và
mạng xã hội Trung Quốc” diễn ra chiều ngày 20/11/2024, ông Nguyễn Minh Tiến-
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, cho biết Trung Quốc luôn là
đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hiện nay, quan hệ thương mại song
phương giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng phát triển tích cực.
Trước
đó, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ngày
23/6/2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và Tập đoàn Sunwah Hồng
Kông đã ký Ý định thư hợp tác. Trong đó, có nội dung hợp tác Xây dựng và vận
hành Gian hàng nông sản Việt Nam trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng
xã hội Trung Quốc nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản Việt Nam
thuận lợi tiếp cận trực tiếp với thị trường Trung Quốc.
Đến
thời điểm này, việc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Cục
chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường cùng các đơn vị liên quan tổ chức
Lễ ra mắt “Gian hàng nông sản Việt Nam trên các nền tảng thương mại điện tử và
mạng xã hội Trung Quốc” nhằm cụ thể hóa tinh thần, nội dung ý định thư đó. Đồng
thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản,
thực phẩm tìm kiếm sản phẩm, mẫu mã mới, thiết bị công nghệ tiên tiến của Trung
Quốc.
Gian
hàng sẽ được vận hành theo mô hình “hàng tìm người” thông qua hình thức phát
video ngắn và livestream, được kỳ vọng sẽ giúp các nhà cung ứng Việt Nam có thể
bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng tại Trung Quốc và đưa các sản phẩm
thương hiệu vào Trung Quốc”.
Theo
ông Nguyễn Minh Tiến, tính đến hết quý 3, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung
Quốc đạt 104,8 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chiều ngược lại,
xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 44,4 tỷ USD, tăng nhẹ với 2,94% so
với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,27 tỷ USD).
Đặc
biệt, ngày 19/8/2024 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng
đông lạnh, trái dừa tươi và cá sấu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, điều
này thể hiện sự đa dạng hóa các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt
Nam cũng như tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của
Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Chia
sẻ tại sự kiện, đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương),
cho biết trong những năm gần đây, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở
thành một xu hướng nổi bật tại Việt Nam. Với sự phát triển nhanh chóng của công
nghệ thông tin, cùng với sự gia tăng của người tiêu dùng trực tuyến, Việt Nam
đang đứng trước những cơ hội lớn để mở rộng thị trường toàn cầu.
Các
nền tảng thương mại điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng
quốc tế một cách dễ dàng mà còn tạo ra sự cạnh tranh ngày càng bình đẳng giữa
các nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ các hiệp định thương
mại tự do (FTA) và cải thiện hạ tầng logistics đã tạo điều kiện thuận lợi cho
sự phát triển này, mở ra những triển vọng tươi sáng cho thương mại điện tử Việt
Nam trong tương lai.
Năm
2024, thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh
nhờ cải thiện hạ tầng internet, sự hỗ trợ từ chính phủ và tận dụng các hiệp
định thương mại tự do. Các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu thông qua
các nền tảng quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế số phát triển, với số lượng trên 17
triệu sản phẩm. Đáng chú ý, đối tác bán hàng tăng 40%, giá trị xuất khẩu
tăng 50%, số lượng trung bình nhà mua hàng các sản phẩm Việt Nam đã tăng 55%,
số lượng sản phẩm của Việt Nam có mặt trên nền tảng tăng 24%.
Theo
đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, những con số trên đã minh chứng
rõ ràng, thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đang trên đà tăng
trưởng mạnh.
Thảo
Nguyên