Nông nghiệp và khoa học công nghệ là hai lĩnh vực không thể tách rời
15/08/2023 - 15:21 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Phát
biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chúc mừng vai trò, vị trí của
ngành khoa học và công nghệ đã được nâng tầm, được Đảng, Nhà nước và toàn hệ
thống chính trị quan tâm, khẳng định trình độ công nghệ quyết định vị trí của
ngành và vị thế của đất nước.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, khoa học nông nghiệp là một khái
niệm trong KHCN nói chung. Trong hoàn cảnh kinh tế trong nước và thế giới khó
khăn hiện nay, đặc biệt sau đại dịch Covid, nông nghiệp đã khẳng định vị trí là
bệ đỡ của nền kinh tế, dù trong hoàn cảnh nào vấn đề an ninh lương thực trong
nước cũng đều đảm bảo. Trong 35 năm đổi mới và 10 năm tái cơ cấu, KHCN trong
nông nghiệp đều cùng tiếng nói, các đề tài nghiên cứu của Bộ NN&PTNT hay Bộ
KHCN đã giải đáp cơ bản nhưng chưa đầy đủ, chưa thể hiện được mối quan hệ mật
thiết của KHCN đối với nông nghiệp.
Có thể nói rằng, thành
tựu của ngành nông nghiệp đều có dấu ấn của KHCN. Sản lượng lúa năm nay có thể
đạt 43,4 – 43,7 triệu tấn, xuất khẩu dự kiến cao kỷ lục 7,8 triệu tấn nhờ 85%
giống mới, 89% gạo chất lượng cao, quy trình canh tác. Đó chính là KHCN. Với
120 nghìn tấn thuốc BVTV mỗi năm đứng đầu Đông Nam Á, bình quân 1,62kg/ha đứng
thứ 80 trên thế giới, trong đó thuốc BVTV sinh học chiếm 13%. Sản lượng cây ăn
quả 35 triệu tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 3,23 tỷ USD trong 7 tháng qua là
chưa từng có và triển vọng về đích trên 5 tỷ USD cũng là nhờ giống, quy trình
canh tác, quy trình chế biến hiện đại, tiên tiến.
Về công nghệ sinh học,
Việt Nam tự hào là nước nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin dịch tả lợn
châu Phi. “Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng của cả ngành kinh tế 3,72%, riêng
nông nghiệp đã chiếm 3,07%, chưa bao giờ khoảng cách giữa GDP và nông nghiệp
sát nhau như vậy, tất cả là nhờ khoa học công nghệ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tính đến thời điểm
này, ngành lâm nghiệp đã khai thác 18 triệu m3 gỗ rừng trồng, xuất khẩu 17,13
tỷ USD trong năm 2022, thặng dư của ngành lâm nghiệp là rất lớn nhờ KHCN trong
việc phát triển rừng gỗ lớn, keo, sâm, dược liệu dưới tán rừng,…kết hợp với cơ
chế chính sách phù hợp và hiệu quả.
Bên cạnh đó, còn có
thủy lợi, chế biến, VSATTP, bảo tồn các vùng sinh thái, công nghệ sinh học đều
mang dấu ấn của KHCN.
Xuất khẩu nông sản 7
tháng năm 2023 ước đạt 29,13 tỷ USD, trong khi Chính phủ giao 54-55 tỷ USD cả
năm 2023. Trước tình hình khó khăn hiện nay khi ngành lâm nghiệp năm 2022 thu
về 17,13 tỷ USD nhưng đến nay mới chỉ đạt 7,79 tỷ USD (giảm 25%); thủy sản thu
về 11 tỷ USD vào năm 2022, so với năm nay mới đạt 4,95 tỷ USD (giảm 25,4%), Bộ
NN&PTNT xác định tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lợi thế là
Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…cùng chất xúc tác là quy trình sản
xuất, giống để ngành nông nghiệp có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Bộ KHCN
Nguyễn Hoàng Giang cho biết, vai trò của ngành nông nghiệp đã được khẳng định
và thật sự vui mừng vì trong vai trò của ngành nông nghiệp đối với kinh tế đất
nước có sự đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ, với 30% giá trị gia tăng
của sản xuất nông nghiệp, 8% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; các
chương trình công nghệ cao, bảo tồn quỹ gien,… đã chứng minh sự đồng hành của
hai ngành trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, sự phát
triển của KHCN trong nông nghiệp chưa xứng tầm với tiềm năng lợi thế, còn tồn
tại nhiều bất cập. Trong bối cảnh tình hình mới với nhiều cơ chế chính sách mới
của Nhà nước như Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, Chiến
lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, đặt ra nhiều vấn đề
mà hai ngành cần phải tập trung, phối hợp tháo gỡ để tiếp tục khai thác tốt lợi
thế đã có và mở rộng sân chơi cho các nhà khoa học nông nghiệp.
Để chuẩn bị cho năm
2024, Thứ trưởng Bộ KHCN đề nghị bám sát chủ trương, định hướng, chiến lược
phát triển của hai ngành để tập trung phát triển các chương trình, chùm nhiệm
vụ đã và đang triển khai nhưng với một tầm cao hơn, chất lượng hơn và sâu hơn.
Cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, xây
dựng thương hiệu quốc gia, sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực,…có sự tham
gia của KHCN.
Cuối cùng, Thứ trưởng
Phùng Đức Tiến nhấn mạnh phải tích cực truyền thông hơn nữa, phải tạo được dư
luận, tiếng nói của ngành KHCN, đồng thời đề nghị lãnh đạo Bộ KHCN cùng thống
nhất cơ chế tự chủ thí điểm trên cơ sở Nghị định 105/NĐ-CP, Bộ NN&PTNT sẽ
đi tiên phong tháo gỡ, thực hiện tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tổ chức và tự chủ tài
chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phân quyền phân trách nhiệm. Qua
đó, Thứ trưởng tin tưởng rằng khó khăn sẽ được tháo gỡ, tạo động lực cho các
nhà khoa học và sẽ có kết quả tốt hơn nhiều đối với nông nghiệp xứng tầm với
tiềm năng, lợi thế của ngành.
Thúy Nga