Nông lâm thủy sản tiếp tục giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
18/01/2023 - 08:08 | Giá cả, thông tin thị trường
Năm 2022, sản xuất nông lâm thủy sản duy trì tăng
trưởng ổn định, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Nuôi trồng thủy sản
phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như
cá tra, tôm nuôi tăng; tuy nhiên khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do
giá nhiên liệu ở mức cao.
Theo ước tính của
Tổng cục Thống kê (GSO): Tổng sản lượng thủy sản quý IV/2022 đạt 2.426,5 nghìn
tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, tổng sản lượng thủy
sản ước đạt 9.026,3 nghìn tấn, tăng 2,7% so với năm trước (bao gồm: cá 6.483,9
nghìn tấn, tăng 2,1%; tôm 1.233,5 nghìn tấn, tăng 7,2%; thủy sản khác 1.308,9
nghìn tấn, tăng 1,3%). Trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5.163,7
nghìn tấn (tăng 6,3% so với năm trước) bao gồm: cá đạt 3.494,3 nghìn tấn, tăng
5,8%; tôm đạt 1.080,6 nghìn tấn, tăng 8,5%; thủy sản khác đạt 588,8 nghìn tấn,
tăng 5,3%. Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.862,6 nghìn tấn (giảm 1,8% so
với năm trước) bao gồm: cá đạt 2.989,6 nghìn tấn, giảm 1,9%; tôm đạt 152,9
nghìn tấn, giảm 0,8%, thủy sản khác đạt 720,1 nghìn tấn, giảm 1,7%. Sản lượng
thủy sản khai thác biển đạt 3.664,5 nghìn tấn (giảm 2% so với năm trước) bao
gồm: cá đạt 2.859,3 nghìn tấn, giảm 2,1%, tôm đạt 139,2 nghìn tấn, giảm 1%.
Chỉ số giá sản xuất
sản phẩm nông lâm thủy sản quý IV/2022 tăng 0,74% so với quý trước và tăng
6,45% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, chỉ số giá sản xuất sản phẩm
nông lâm thủy sản tăng 3,89% so với năm 2021. Chỉ số giá nguyên nhiên vật
liệu dùng cho sản xuất quý IV/2022 tăng 0,16% so với quý trước và tăng
4,79% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên
vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6,79% so với năm trước (trong đó: Chỉ số
giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông lâm thủy sản tăng 9,88%).
Đóng góp GDP
Trong cơ cấu kinh tế 2022, khu vực
nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm
38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm
8,53%.
Ước tính tổng sản
phẩm trong nước (GDP) năm 2022 tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%;
quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) so với năm trước do nền kinh tế được
khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong mức
tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông lâm thủy sản tăng 3,36%, đóng góp
5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công
nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%,
đóng góp 56,65%.
Tuy GDP quý
IV/2022 tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17%
của cùng kỳ năm 2020 và 2021) nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm
2011-2019 (trong đó: khu vực nông lâm thủy sản tăng 3,85%). GDP năm 2022 ước
tăng 8,02%. Trong khu vực nông lâm thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng
góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền
kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy
sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Xuất khẩu thủy sản
Theo báo cáo của
Vasep, tháng 12/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 785 triệu USD, tiếp tục
mức giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng liên tục trong
10 tháng đầu năm nên cả năm 2022, ngành thủy sản xuất khẩu đã cán đích 11 tỷ
USD, tăng gần 24% so với năm 2021.
Trong tháng
12/2022, xuất khẩu tôm giảm 21% so với cùng kỳ đạt 260 triệu USD, sau khi giảm
18% trong tháng 11. Cả năm 2022, ngành tôm đã ghi nhận kỷ lục trên 4,3 tỷ USD,
trong đó tôm chân trắng đạt 3,1 tỷ USD, tôm sú đạt gần 570 triệu USD, tôm hùm
278 triệu USD, còn lại là các loài tôm song và tôm biển khác. Cũng như tôm,
trong tháng 12, xuất khẩu cá tra cũng giảm mạnh 23% so với cùng kỳ đạt 166 triệu
USD; tuy nhiên, năm 2022 cá tra đã mang về hơn 2,4 tỷ USD, tăng 52% so với năm
2021.
Mặc dù cũng sụt giảm
22% trong tháng 12 với doanh số trên 68 triệu USD, nhưng ngành cá ngừ đã cán mốc
1 tỷ USD lần đầu tiên trong hơn 20 năm xuất khẩu. Xuất khẩu mực bạch tuộc mang
về 764 triệu USD, tăng 26% so với năm 2021. Các sản phẩm cá khác như cá cơm, cá
nục, cá thu và nhiều loài cá biển khác đã đóng góp doanh số lớn 2 tỷ USD trong
năm 2022, cao hơn 22% so với năm 2021.
Tháng 12, mặc dù
xuất khẩu sang hầu hết các thị trường và khối thị trường đều sụt giảm nhưng xuất
khẩu sang Trung Quốc & Hongkong vẫn tăng 17% mở ra tín hiệu lạc quan về thị
trường này trong thời gian tới. Cả năm 2022, thị trường Trung Quốc-HK đã mang về
trên 1,8 tỷ USD cho ngành thủy sản Việt Nam, tăng 59% so với năm 2021.
Xuất khẩu sang các
nước ASEAN vẫn giữ được đà tăng trưởng dương 27% trong tháng 12 và khối thị trường
này đã đóng góp 790 triệu USD cho thủy sản Việt Nam trong cả năm 2022. Xuất khẩu
sang Mỹ giảm mạnh nhất, 40% trong tháng 12 và cả năm 2022 xuất khẩu sang thị
trường này đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2021. Xuất khẩu sang EU đạt
gần 1,3 tỷ USD, tăng 20%, riêng trong tháng 12, thị trường này giảm 32% nhập khẩu
thủy sản Việt Nam. Nhật Bản giữ mức ổn định trong tháng 12 và cả năm xuất khẩu
sang đây đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 28%. Cùng với đó, khối các nước CPTPP đã đóng
góp cho ngành thủy sản Việt Nam hơn 2,8 tỷ USD trong năm 2022, tăng 30% so với
năm 2021.
Dự báo: Kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát đang khiến
cho nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của các thị trường giảm mạnh. Dự báo
xuất khẩu trong quý I/2023 sẽ không thể giữ được kết quả tích cực như năm 2022
và thị trường có thể sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2023. Do vậy, dự báo năm
2023, xuất khẩu thủy sản có thể giảm nhẹ còn khoảng trên 10 tỷ USD.
Tháng 12/2022, Hiệp
hội VASEP và các doanh nghiệp thủy sản đã tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt
10 tỷ USD với niềm tự hào về kết quả thành công của một chặng đường chinh phục
thị trường thế giới hơn 20 năm qua. Có thể nói năm 2022 là một năm nhiều kỷ lục
của ngành thủy sản. Xuất khẩu thủy sản đạt kỷ lục 11 tỷ USD, trong đó ngành tôm
kỷ lục với doanh số trên 4,3 tỷ USD. Xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD, cao kỷ lục
và tăng trưởng hàng năm kỷ lục 70%. Cá ngừ cũng lần đầu tiên trở thành ngành
hàng giá trị tỷ USD.
Không chỉ kỷ lục của
các ngành hàng mà thủy sản xuất khẩu còn ghi nhận kỷ lục tại hầu hết các thị
trường. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ được dự đoán về đích với hơn 2,1 tỷ USD.
Thị trường Trung
Quốc và Hongkong cũng lần đầu tiên chạm mốc 1,8 tỷ USD về giá trị thủy sản nhập
khẩu từ Việt Nam, với mức tăng trưởng 57%. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên, Trung
Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt
Nam. Tuy nhiên về tỷ trọng cả Nhật Bản và Trung Quốc đều chiếm 16% giá trị xuất
khẩu thủy sản của Việt Nam. So với năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản
cũng ghi nhận mức tăng trưởng tương đối cao 31%.
31% cũng là mức
tăng trưởng của cả khối thị trường CPTPP trong năm 2022. Ước tính xuất khẩu thủy
sản sang khối thị trường này đạt gần 2,9 tỷ USD, chiếm hơn 26% tỷ trọng xuất khẩu
thủy sản của Việt Nam. Lợi thế về thuế quan tại các nước trong khối này đã được
các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả, khi mà lạm phát làm giảm sức tiêu
thụ và tăng áp lực cạnh tranh trên nhiều thị trường.
Các nước ASEAN
cũng là điểm đến tiềm năng và thuận lợi cho các doanh nghiệp thủy sản với mức
tăng trưởng 27% dự kiến mang về doanh số 767 triệu USD, chiếm 7% xuất khẩu của
cả nước. Lợi thế về vị trí địa lý và sự ổn định kinh tế của khu vực này là động
lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản. Xuất khẩu sang EU và Hàn
Quốc tính đến hết tháng 11 đều ghi nhận tăng trưởng cao 26% và 22%. Dự kiến năm
2022, hai thị trường này mang về lần lượt 1,3 tỷ USD và trên 950 triệu USD, đều
là những kết quả cao kỷ lục.
Những thuận lợi của
năm 2022 như nhu cầu cao, giá xuất khẩu tăng, nguồn cung ổn định đã và sẽ không
còn tiếp tục trong quý IV năm nay và quý I năm tới. Lạm phát ngấm sâu vào nền
kinh tế các nước, khiến nhu cầu và đơn hàng giảm mạnh. Do vậy, dự báo xuất khẩu
quý I năm 2023 sẽ sụt giảm đáng kể so với quý IV và so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn có những hy vọng lạc quan vào tín hiệu tốt từ một
số thị trường có nền kinh tế ổn định hơn, ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn như
ASEAN, Trung Đông và khối các nước CPTPP.
Đặc biệt là việc
Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu như xét
nghiệm, khử trùng và kiểm dịch sẽ giải tỏa một ách tắc lớn, mở rộng cửa hơn cho
xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới này. Sức tiêu thụ của một đất
nước 1,5 tỷ dân sẽ không thể được đáp ứng kịp bằng nguồn cung trong nước đã bị
gián đoạn và hạn chế trong mấy năm qua vì chính sách zero – Covid. Đó sẽ là cơ
hội và lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Quan trọng hơn cả
là doanh nghiệp thủy sản cần được tiếp sức để chuẩn bị nguồn lực, nguyên liệu,
vốn sản xuất và các điều kiện, để khi thị trường ổn định và hồi phục thì có thể
nhanh chóng gia tăng xuất khẩu, giành thị phần trước các đối thủ khác cũng đang
khá mạnh như Ecuador, Ấn Độ trên thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.
Có môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, thì sự nỗ lực, sự năng động, linh
hoạt của doanh nghiệp thủy sản sẽ tiếp tục được phát huy để tiếp tục mang lại
doanh số xuất khẩu khả quan trong năm tới.
Thảo Nguyên (Nguồn Tổng cục Thủy sản)