Nông dân xã Tam An nâng cao thu nhập nhờ nuôi vịt đẻ trứng

14/02/2025 - 14:02 | Mô hình hay, cách làm hay

Tam An là xã có diện tích trồng lúa khá lớn của huyện Long Đất với hơn 1.000ha, tập trung tại các cánh đồng An Nhứt, Tam Phước, An Ngãi, Phước Hội. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, diện tích này trở thành nơi lý tưởng để chăn thả vịt. Sau khi lúa gặt xong là thời gian ruộng để trống, nhiều nông dân lùa vịt ra đồng để vịt thỏa thích bắt cua bắt ốc, lượm lặt những hạt lúa còn sót lại. Nhờ đó, giảm được không ít tiền thức ăn, đồng thời tăng chất lượng trứng, đáp ứng thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên việc nuôi vịt thả đồng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như khó kiểm soát được dịch bệnh do không chủ động được nguồn thức ăn cho vịt. Chính vì vậy, nhiều nông dân trên địa bàn xã Tam An đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng nhà trại, chuyển sang mô hình nuôi vịt đẻ trứng trong khuôn viên gia đình và đã cho những kết quả rất tích cực. Cụ thể:

- Ông Nguyễn Đức Triều, ấp Phước Trinh, xã Tam An hiện nuôi 3.200 con vịt trong khuôn viên ao vườn của gia đình với diện tích gần 1ha. Bình quân mỗi ngày, đàn vịt đẻ khoảng 3.000 quả trứng. Nhờ nghề này mà vợ chồng ông có điều kiện nuôi các con ăn học đàng hoàng, việc chi tiêu trong gia đình cũng thỏa mái, còn có tiền đầu tư vào ruộng vườn,..

- Gắn bó với nghề chăn nuôi vịt thịt rồi chuyển sang nuôi vịt đẻ trứng cả chục năm nay, ông Phạm Minh Nguyên, ấp An Thạnh hiện đang nuôi gần 4.000 con vịt đẻ trứng, trung bình mỗi ngày gia đình ông thu hoạch từ 3.200 - 3.700 quả trứng. Ước tính, mỗi tháng sau khi trừ tất cả các chi phí, ông Nguyên thu về gần 40 triệu đồng. Ông Nguyên cho biết, nuôi vịt đẻ trứng không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ đúng các yếu tố kỹ thuật, đặc biệt là khâu chọn giống, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Để bảo đảm năng suất, chất lượng trứng, sau hai năm người nuôi phải thay lứa vịt một lần.

Theo Hội nông dân xã Tam An, trên địa bàn hiện có hơn 100 hộ nuôi vịt đẻ trứng và vịt thịt đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là hướng phát triển kinh tế có nhiều triển vọng, giúp nhiều hộ hội viên nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, để phát triển người chăn nuôi cần phải có một kiến thức nhất định trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… mới phát triển mô hình này hiệu quả, lâu dài.

Thời gian tới, Hội tăng cường phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức cho hội viên, nông dân tham quan, học tập mô hình chăn nuôi vịt thịt, vịt đẻ trứng hiệu quả; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, đưa con giống mới vào sản xuất; tạo điều kiện cho hội viên được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, hội cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn giúp các hộ chăn nuôi vịt đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử B2B (Felix.store), liên kết tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân.

Lài Nguyễn – PTNT (Nguồn st baobaria-vungtau)