NHỮNG DỰ BÁO VỀ THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI HEO VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2025-2030
18/11/2024 - 21:47 | Giá cả, thông tin thị trường
Như một trụ cột quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, ngành
chăn nuôi heo đóng góp to lớn vào an ninh lương thực quốc gia và sự phát triển
kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ngành này đã phải đối mặt
với nhiều biến động do dịch bệnh, giá cả thị trường và các yếu tố khác.
Tình hình chăn
nuôi heo Việt Nam hiện nay
Về tổng đàn
Ngành chăn
nuôi heo Việt Nam đã trải qua giai đoạn đầy biến động do ảnh hưởng nặng nề của
dịch tả lợn Châu Phi (ASF) bùng phát từ năm 2019. Tuy nhiên, đến nay, ngành
chăn nuôi lợn đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi tích cực. Theo số liệu của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến tháng 4/2024, tổng đàn heo cả
nước đạt khoảng 27,5 triệu con, phục hồi 85% so với trước khi dịch ASF bùng
phát. Mức
phục hồi này cho thấy sự nỗ lực của người chăn nuôi và các doanh nghiệp trong
việc tái đàn và phát triển ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước
dịch, tổng đàn lợn hiện nay vẫn còn thấp hơn đáng kể, ảnh hưởng đến sản lượng
thịt lợn và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về Sản lượng thịt
Nhờ sự phục hồi của tổng đàn heo, ngành
chăn nuôi cũng đặt mục tiêu năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên
7,89 triệu tấn, tăng 3,8%; sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,87 triệu tấn tăng
4,0% so với năm 2023. Tuy nhiên, sản
lượng thịt lợn hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, đặc
biệt là trong bối cảnh giá thịt lợn tăng cao. Do đó, cần tiếp tục có những giải
pháp để thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi heo.
Về giá cả thị trường
Giá thịt heo hơi trong năm 2023 có xu hướng
tăng so với năm 2022 do ảnh hưởng của dịch ASF và giá thức ăn chăn nuôi tăng
cao. Mức giá dao động trong khoảng 50.000 – 70.000 đồng/kg, tùy theo khu vực và
thời điểm. Giá thịt heo tăng cao gây
áp lực lên người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng đến lợi nhuận của người chăn
nuôi. Do đó, cần có những biện pháp để ổn định giá cả thị trường, đảm bảo lợi
ích cho cả người tiêu dùng và người chăn nuôi.
Những dự báo cho giai đoạn 2025 - 2030
Nhu cầu thị trường
trong nước về mặt hàng thịt heo vẫn còn lớn, tuy nhiên sẽ theo xu hướng giảm dần,
do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác, như: gia cầm,
tôm cá, thịt đỏ, đạm thực vật.
Ngoài sự
cạnh tranh với các mặt hàng thực phẩm khác, chăn nuôi heo trong nước còn phải cạnh
tranh ngày càng lớn với các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đang
ngày càng gia tăng (trung bình từ 15-20%/năm).
Dịch bệnh, nhất là dịch tả heo châu Phi vẫn
còn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Chăn nuôi an toàn
sinh học vẫn là biện pháp quyết định trong kiểm soát bệnh dịch tả heo châu Phi.
Kiểm soát môi trường và khí nhà kính sẽ gia
tăng áp lực cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo và trâu, bò. Vấn đề
kiểm kê khí nhà kinh trong chăn nuôi là tự nguyện hay bắt buộc sẽ là vấn đề
tranh luận, nếu không có các căn cứ thuyết phục và sự vào cuộc thực sự của
người chăn nuôi, các hội, hiệp hội thì có thể sẽ được Nhà nước đưa các cơ sở
chăn nuôi lợn có quy mô từ 3.000 con/trại vào diện phải kiểm kê khí nhà kính từ
năm 2027.
Số hộ chăn nuôi heo sẽ giảm, nhưng tổng đàn
heo trong nước vẫn tăng ở mức 2-3%/năm. Quy mô đàn heo cả nước tại thời điểm
1/4/2024 là 25,54 triệu con (không tính lợn con theo mẹ); heo thịt 22,36 triệu
con; heo nái 3,1 triệu con (Trong đó nái đẻ 2,4 triệu con). Quy mô đàn heo cả
nước có thể lên cao điểm đến khoảng 28,5 triệu con vào năm 2028.
Phương thức chăn nuôi heo trong nước sẽ đi
theo 3 xu hướng:
Chăn nuôi heo theo chuỗi liên kết, mô hình
chăn nuôi gia công cho các tập đoàn, công ty lớn. Quy mô đàn heo khu vực chăn
nuôi này chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Mô hình chăn nuôi này có tính ổn định,
ít rủi ro.
Chăn nuôi heo theo mô hình các hộ lớn, hộ
trang trại tự phối trộn hoặc đặt hàng gia công thức ăn chăn nuôi (TACN) cho các
cơ sở chế biến TACN sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Mô hình chăn nuôi này có hiệu
quả tốt, tuy nhiên đòi hỏi người chăn nuôi phải có vốn và khả năng quản trị
tốt.
Chăn nuôi heo theo mô hình chăn nuôi truyền
thống, tận dụng phụ phẩm của các bếp ăn tập thể. Mô hình chăn nuôi này chứa đựng
nhiều rủi ro, nhất là vấn đề kiểm soát dịch bệnh, ATTP.
Việc xây mới các cơ sở chăn nuôi heo sẽ gặp
nhiều khó khăn do quỹ đất ngày càng hạn hẹp, phải đảm bảo các điều kiện về môi
trường ngày càng gắt gao...do vậy những cơ sở chăn nuôi heo hiện có sẽ có vị
trí quan trọng trong việc ổn định quy mô đàn heo, đáp ứng yêu cầu phát triển
thời gian tới.
Vấn đề tạo ra những giống, công thức lai để
có sản phẩm thịt heo đặc thù với nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam và công
nghệ giết mổ phù hợp nhằm phổ cập thói quen tiêu dùng thịt mát là giải pháp
quan trọng nâng cao sức cạnh tranh, khả năng tự vệ của ngành chăn nuôi lợn Việt
Nam trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế và chăn nuôi VN với
khu vực và thế giới.
Chiến lược ngành chăn nuôi heo trên địa
bàn tỉnh
Thực hiện Quyết định số
3605/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 của Ủy
ban nhân dân tỉnh về việc ban
hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược
phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, heo và gia cầm là hai vật nuôi chính được tiếp tục phát triển
theo hướng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Tổng đàn heo có mặt thường xuyên ở
quy mô từ 400 đến 410 ngàn con (trong đó đàn heo nái từ 45 đến 50 ngàn
con) và tổng đàn gia cầm có mặt thường xuyên ở
quy mô 6 đến 7 triệu con; tỷ lệ tổng
đàn heo và gà chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao so với tổng đàn toàn
tỉnh chiếm trên 70%.
Hạnh Nguyễn – Chi cục CNTY