Nhìn lại diễn biến giá heo hơi tại thị trường Việt Nam trong năm 2022
02/12/2022 - 11:12 | Giá cả, thông tin thị trường
Theo số liệu tổng
hợp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tại các địa phương diễn biến giá heo năm
2022 thay đổi liên tục và không theo quy luật thị trường như mọi năm. Cụ thể
giá heo theo xu hướng tăng từ tháng 01 (dao động mức 53.000-54.000đ/kg) đến
tháng 7 năm 2022 (đạt đỉnh cao nhất chạm mốc 70.000đ/kg do khi đó giá heo hơi tại
thị trường Trung Quốc tăng cao và có một lượng heo xuất khẩu theo đường tiểu ngạch
sang thị trường Trung Quốc khiến giá heo trong nước tăng giá). Tuy nhiên từ
tháng 8 đến nay giá heo giảm dần, nhất là thời điểm hiện tại vào dịp cận tết
Nguyên Đán 2023 giá heo vẫn chưa bật tăng trở lại, thậm chí còn thấp hơn gía
thành sản xuất khiến người chăn nuôi lo lắng (Theo tính toán của các cơ sở chăn
nuôi với mức vật tư đầu vào tăng như hiện tại thì giá thành để sản xuất ra 1 kg
heo hơi không thể dưới 60.000 đồng/kg ). Theo nhận định của các chuyên gia cho
rằng giá heo hơi hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, sức mua. Các nguồn
tiêu thụ nói chung đều giảm trên cả nước. Ví dụ như các bếp ăn tập thể, người
lao động bị ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn nên thu nhập giảm, nhiều công ty xí
nghiệp giảm giờ làm, thậm chí phải giảm bớt công nhân, do đó nhu cầu cũng giảm…
Những yếu tố đó đã khiến giá thịt heo không tăng lên được. Thêm vào đó hiện
Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách COVID-19, việc quản lý hoạt động xuất
nhập khẩu qua biên giới rất chặt, trong đó có đường tiểu ngạch nên lượng heo xuất
sang thị trường này đang gặp khó khăn.
Bán heo sang Trung Quốc không còn dễ như trước
Nguồn cung trong nước đang
dư thừa và có nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nên nới lỏng các rào cản để được
bán heo qua biên giới. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững,
đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán,
đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, ngay cả khi Việt Nam nới lỏng
hoạt động xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch được cho là vẫn
chưa thể đảm bảo rằng việc bán hàng qua con đường này thuận lợi. Theo ông Nguyễn
Xuân Dương, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng cần tính toán đến mức độ
khả thi của phương án này bởi việc bán heo qua đường tiểu ngạch không còn dễ
như trước đây. Ngay cả khi Việt Nam chủ động nới lỏng việc kiểm soát xuất khẩu
heo qua đường tiểu ngạch thì cũng chưa chắc bán được hàng sang Trung Quốc. Cục
Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây dẫn số liệu của Cơ quan Hải quan Trung
Quốc cho thấy lượng nhập khẩu thịt của quốc gia này giảm mạnh. Theo đó, lũy kế
9 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 5,41 triệu tấn thịt, trị giá 23,15 tỷ
USD, giảm 26,8% về lượng và giảm 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu
nhập khẩu từ Brazil, Mỹ, New Zealand, Argentina và Australia. Còn về xuất khẩu
heo hơi, heo đông lạnh theo đường chính ngạch, đây vẫn là câu chuyện xa vời bởi
Việt Nam từng đàm phán với Trung Quốc cách đây nhiều năm nhưng không thành
công. Sản phẩm xuất khẩu cũng chỉ chủ yếu là heo sữa và heo choai sang các thị
trường Trung Quốc, Hồng Kông và Malaysia mà không phải các sản phẩm có thể sản
xuất quy mô lớn như đông lạnh hay thịt tươi. Nguyên nhân không phải vì doanh
nghiệp không mặn mà với việc xuất khẩu mà vì hoạt động quản lý dịch bệnh vẫn
chưa thể đáp ứng yêu cầu của quốc tế. Theo đó, để xuất khẩu heo hơi, thịt đông
lạnh, Việt Nam cần có vùng chăn nuôi an toàn sinh học được OIE công nhận. Tuy
nhiên, đặc tính các vùng chăn nuôi của Việt Nam là trang trại lớn, khép kín nằm
xen kẽ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Do đó, việc kiểm soát tuyệt đối rủi ro dịch bệnh khó khăn. Mới đây, Cục Xuất nhập
khẩu nhận định thời gian qua, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt
Nam còn chưa tương xứng với sản lượng sản xuất hàng năm. Hiện nay, lượng thịt
heo xuất khẩu vẫn còn đang quá nhỏ so với tổng sản lượng xuất chuồng. Nguyên
nhân do những hạn chế ở khâu chế biến, dự báo thị trường cung cầu để điều tiết
sản xuất cũng như phòng chống dịch bệnh chưa tốt, trong khi giá thành sản xuất
chăn nuôi heo ở nước ta cao so với mức bình quân trên thế giới. Do đó, giá thịt
heo ở Việt Nam đang khó cạnh tranh với các nước khác. Sở dĩ, giá thành nuôi heo
ở Việt Nam cao do phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu,
trong khi đó chi phí này chiếm tới 65 - 70% cơ cấu giá thành nuôi. Theo số liệu
của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý III/2022, Việt Nam xuất khẩu được
3,99 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 21,18 triệu USD, tăng 4,9% về lượng
và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá heo hơi khó lòng phục hồi mạnh
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê,
tính đến cuối tháng 10, tổng đàn heo của cả nước tăng 13,6% so với cùng kỳ năm
ngoái. Còn về nguồn cung từ nước ngoài, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong
quý III, kim ngạch nhập khẩu các loại thịt và sản phẩm từ thịt tăng 24,4% so với
cùng kỳ năm ngoái lên 418 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tổng
đàn heo 372.623 con tăng 0,7% so năm 2021, sản lượng thịt heo ước đạt 69.503 tấn,
tăng 4%. Cục Chăn nuôi nhận định với đà tăng trưởng như hiện nay, nếu không gặp
bất lợi về dịch bệnh thì nguồn cung thịt heo từ nay đến cuối năm, dịp Tết được
đảm bảo. Trong khi đó tính đến ngày 02/12, giá heo hơi cả nước khoảng 52.000 -
54.000 đồng/kg, giảm khoảng 30% so với cao điểm hồi tháng 7. Cục Xuất nhập khẩu
mới đây dự báo trong thời gian tới, giá heo hơi vẫn sẽ dao động quanh ngưỡng
50.000-65.000 đồng/kg. Thời gian qua, giá heo hơi giảm, nhưng giá thức ăn chăn
nuôi và giá vật tư đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi vẫn không giảm. Chỉ
còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho
ngày Tết cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm.
Vì vậy, hiện nay người chăn nuôi cũng chuẩn bị nguồn thịt cung ứng cho người
tiêu dùng đón Tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lạm phát, hoạt động sản xuất gặp
khó khăn, nhiều doanh nghiệp giảm giờ làm, thậm chí phải cắt giảm số lượng lớn
công nhân. Chi tiêu của người dân thắt chặt hơn cũng khiến nhu cầu tiêu thụ giảm,
cùng với đó là ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc dẫn đến giá heo hơi khó lòng
phục hồi mạnh.
Hạnh Nguyễn – Chi cục CNTY