Nhiều mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế ưu đãi xuất khẩu khi thực hiện Hiệp định CPTPP
15/07/2019 - 08:39 | Giá cả, thông tin thị trường
Hiệp
định CPTPP đã được các thành viên ký ngày 08/3/2018 tại Santiago (Chile) và
được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày
12/11/2018 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Kể từ khi Hiệp định CPTPP có
hiệu lực, vấn đề thuế, hải quan được các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Theo
đó, các doanh nghiệp xuất khẩu muốn biết được lộ trình cắt giảm thuế xuất cụ
thể để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp, còn doanh nghiệp nhập khẩu muốn
nắm bắt mức thuế giảm khi nhập khẩu ra sao để tính toán sao cho có lợi nhuận
nhất. Để triển khai thực hiện cam kết về thuế xuất nhập khẩu của Việt Nam theo
Hiệp định CPTPP, Dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu
ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn đã được Bộ Tài chính xây dựng
và trình Chính phủ.
Theo
đó, thuế suất áp dụng cho giai đoạn 2019-2022: Áp dụng quy định của Hiệp định
vào thực tế, Mê-hi-cô thông báo sẽ áp dụng thời điểm cắt giảm thuế lần đầu tiên
vào ngày Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam (14/1/2019); các nước
Ô-xtơ-rây-lia, Ca-na-đa, Nhật Bản, Niu Di-lân, Xinh-ga-po thông báo áp dụng
thời điểm cắt giảm thuế lần đầu tiên vào ngày Hiệp định có hiệu lực đối với các
nước này (30/12/2018). Trên cơ sở đó, lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam sẽ áp
dụng cho 02 nhóm nước: Mê-hi-cô áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt
đầu năm thứ nhất; Các nước Ô-xtơ-rây-lia, Ca-na-đa, Nhật Bản, Niu Di-lân,
Xinh-ga-po áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu năm thứ hai.
Điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP là có chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước trên. Yêu cầu cung cấp chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu nhằm mục đích đảm bảo kiểm soát được hàng hóa thực tế được nhập khẩu vào lãnh thổ các nước theo quy định do quy trình xuất khẩu không áp dụng được chứng nhận xuất xứ (C/O) như trường hợp nhập khẩu. Tại thời điểm làm thủ tục hải quan, trên thực tế hàng hóa xuất khẩu chưa có các chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu thể hiện đích đến như quy định, do đó Nghị định quy định tại thời điểm này hàng hóa áp dụng mức thuế suất quy định tại Biểu thuế xuất khẩu hiện hành (không phải thuế suất ưu đãi), sau khi nộp chứng từ vận tải quy định thì được cơ quan quản lý thuế xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của Luật Quản lý thuế (Điều 47) và các điều khoản hướng dẫn thi hành. Cam kết cắt giảm thuế của các nước thành viên sẽ là cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý, trong biểu thuế trên Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cố gắng đưa ra so sánh thuế suất của các FTA so với CPTPP để doanh nghiệp lựa chọn các mức thuế suất ưu đãi phù hợp. Đây là một trong những cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp năm bắt những lợi thế trong xuất, nhập khẩu.
Nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ được hưởng thuế ưu đãi xuất khẩu khi thực hiện Hiệp định CPTPP
Riêng
đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, các mặt hàng thủy sản sẽ
được các nước thành viên xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định
có hiệu lực (riêng cá ngừ chế biến xóa bỏ vào năm thứ 10). Điều này giúp
các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam mở rộng thị trường
và thúc đẩy xuất khẩu sang các nước thành viên. Đặc biệt, Đối với
thị trường Nhật Bản, đây là thị trường quan trọng của xuất khẩu thủy sản
Việt Nam, mặc dù đã có hai hiệp định thương mại với Việt Nam là Hiệp định
thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn
diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), nhưng vẫn giữ mức thuế 3,5% đối với thủy sản
tươi sống và 7,3% đối với thủy sản chế biến của Việt Nam nhập khẩu vào nước
này. Theo cam kết của Nhật bản tại Hiệp định CPTPP, đa số mặt hàng thủy sản có
thế mạnh của Việt Nam trong đó có tôm đông lạnh (HS 030617) và tôm chế biến (HS
160521) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh
đó, các mặt hàng như cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá
tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ... cũng được hưởng thuế suất 0%.
Với
việc tham gia CPTPP, GDP Việt Nam dự báo sẽ tăng thêm 1,3% và kim ngạch xuất
khẩu cũng tăng thêm 4%. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế xâm nhập
và tiếp cận sâu vào các thị trường bên kia Thái Bình Dương gồm Canada, Mexico
và Peru. Đây là những thị trường mà Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại.
Hiệp định CPTPP hứa hẹn về một triển vọng tích cực cho các ngành xuất khẩu mà
nước ta có thế mạnh, đặc biệt là dệt may, da giày và thủy sản.
CBTMNS