Nhiều hàng Việt bị EU cảnh báo dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật
03/04/2025 - 08:34 | Giá cả, thông tin thị trường
Theo TS Ngô Xuân
Nam - Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Việt Nam là quốc gia bị cảnh báo nhiều
nhất châu Á từ EU, tiếp theo là Thái Lan với 6 cảnh báo, Indonesia và Hàn Quốc
mỗi nước 2 cảnh báo.
Các vi phạm chủ yếu
liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độc tố nấm mốc và chất phụ gia,
kháng sinh. Trong đó, 5 cảnh báo liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật, 1 về độc
tố nấm mốc, 2 về chất phụ gia, còn lại là các vi phạm về ô nhiễm môi trường và
sản phẩm mới.
Đáng báo động, thủy
sản Việt Nam thường xuyên bị cảnh báo về tồn dư kháng sinh, trong khi rau quả bị
dính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều loại trái cây không đảm bảo thời
gian cách ly, dẫn đến khi xuất khẩu vẫn còn tồn dư hóa chất. Trong số 16 cảnh
báo đầu năm, Việt Nam đã phải tiêu hủy 3 lô hàng, thu hồi 9 lô và xử lý 4 lô
theo các biện pháp khác.
Năm ngoái, Việt
Nam cũng nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng 70% so với năm 2023.
Theo Văn phòng SPS
Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là nông dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt
quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh, trong khi nhiều doanh
nghiệp xuất khẩu chưa cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn mới từ EU. Ngoài ra,
tình trạng thiếu đồng bộ trong kiểm soát vùng nguyên liệu và giám sát chuỗi
cung ứng cũng góp phần gia tăng vi phạm.
Ngoài vi phạm về
chất lượng sản phẩm, theo TS Tôn Nữ Thục Uyên - Quyền giám đốc Văn phòng TBT Việt
Nam, một số sản phẩm thực phẩm mới cũng bị cảnh báo do ghi nhãn chưa đúng quy định
của EU. Theo đó, sản phẩm có chứa thịt, sữa và lúa mì phải ghi rõ nguồn gốc của
từng thành phần qua các công đoạn chế biến khác nhau. Việc thiếu minh bạch có
thể dẫn đến cảnh báo hoặc thu hồi hàng hóa.
Văn phòng SPS Việt
Nam cũng cho rằng cần tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến tiêu chuẩn mới
cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần hướng dẫn
chi tiết về thủ tục xuất khẩu, ghi nhãn và chứng nhận an toàn thực phẩm.
Ngọc Hà.