Nhận diện cơ hội và thách thức của xuất khẩu tôm Việt Nam
07/08/2023 - 14:33 | Giá cả, thông tin thị trường
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cả nước hiện có
374 cơ sở chuyên và có kết hợp chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu tôm sang hơn
100 thị trường, với công suất trên 1,7 triệu tấn nguyên liệu/năm. Tập trung chủ
yếu tại các tỉnh Nam Trung bộ (Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng
Tàu), các tỉnh ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà
Mau, Kiên Giang).
Sản phẩm chế biến đa dạng về mẫu mã và hình thức đáp ứng nhu cầu thị
trường tiêu thụ. Cụ thể, sản phẩm đông lạnh truyền thống với nhiều dạng sản phẩm
khác nhau: WHOLE, HLSO, PD, PUD, PTO, IQF, BLOCK…. Các sản phẩm có giá trị gia
tăng cao như tôm tẩm bột, tôm Nobashi, Sushi, Tempura… Một số phụ phẩm tôm giá
trị gia tăng cao cấp: Chitin, chitosan, glucosamine, astaxanthin… Các sản phẩm
khô, tươi sống chiếm khoảng 10%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 84 thị trường
trên thế giới, với kim ngạch đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm
2022 và bằng 35,9% so với kế hoạch 2023 (4,3 tỷ USD). Riêng trong tháng 6/2023,
xuất khẩu tôm đạt 328,9 triệu USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân suy giảm là do suy giảm kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ
chậm. Lạm phát và lãi suất tăng cao tại Mỹ, EU, Hàn Quốc. Tồn kho nhiều, các
nhà nhập khẩu ráo riết giải phóng hàng tồn. Các nước Indonesia, Ecuador thu hoạch
sớm tôm với sản lượng và kích cỡ tôm cạnh tranh với tôm Việt Nam.
Dự báo trong các tháng cuối năm 2023 yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn
kho sẽ có xu hướng giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng sẽ giúp kỳ vọng
kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung, mặt hàng tôm nói riêng sẽ
tăng trở lại tại các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn như Nhật Bản, Trung Quốc,
Mỹ, Hàn Quốc…
Nhận diện cơ hội và thách thức
Việt Nam có tiềm năng rất lớn về diện tích, khí hậu thuận lợi và nguồn
nước dồi dào cho phát triển nuôi tôm nước lợ. Sản phẩm tôm chất lượng (size lớn,
chất lượng ngon…). Ngành tôm nước lợ được ứng dụng khoa học công nghệ mới, gồm
kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm và bảo quản chế biến với nhiều mô
hình ứng dụng khoa học công nghệ ở nhiều mức độ khác nhau. Các doanh nghiệp chế
biến tôm với trình độ nhân lực, kỹ thuật khéo léo trong nuôi tôm và chế biến
các sản phẩm giá trị gia tăng.
Tuy nhiên cũng một số điểm yếu như: Hạ tầng vùng nuôi hạn chế, quy mô
nông hộ nhỏ bé khiến hạ tầng nguồn nước cấp, nước thoát nước chưa đồng bộ, gây
khó khăn trong công tác sản xuất và nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh. Chi phí sản
xuất tôm còn cao so với các nước đối thủ trên cùng phân khúc thị trường.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng đưa ra những
đánh giá về cơ hội đối với ngành tôm Việt Nam như: Thị trường tiêu thụ rộng mở
do nhu cầu gia tăng; các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nền
kinh tế lớn là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu; quỹ đất nuôi tôm lợ một
số vùng ven biển tạo cơ hội quy hoạch vùng nuôi tập trung theo hướng ngành hàng
sản xuất; năng lực về khoa học công nghệ, nhân lực và các điều kiện tự nhiên
khác khiến Việt Nam có đầy đủ các nhân tố để có thể tiếp tục phát triển ngành
tôm theo hướng quy mô hiện đại, bền vững.
Song bên cạnh đó, ngành tôm nước
ta cũng còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: Biến đổi về khí hậu, nước biển
dâng gây nguy cơ mất diện tích nuôi tôm ven biển; El Nino gây ra nắng nóng, bão
lũ làm thay đổi đột ngột nhiệt độ, lượng mưa, độ mặn ảnh hưởng đến sinh trưởng
và phát triển tôm nuôi, góp phần gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi. Các yếu tố về dịch
bệnh, đặc biệt là bệnh do vi bào tử trùng khiến tỷ lệ nuôi thành công ở Việt
Nam bị suy giảm nghiêm trọng, điều này đặt ra thách thức trong quản lý dịch bệnh
theo hướng quản lý rủi ro trong toàn bộ chuỗi sản xuất từ tôm bố mẹ, tôm giống,
ương dèo và nuôi thương phẩm để kiểm soát được rủi ro đến mức độ chấp nhận được.
Giải pháp bền vững
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển
thị trường cũng đã đề xuất một số giải pháp để ngành tôm phát triển bền vững.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT cần đẩy mạnh phát triển nuôi tôm và các khâu
trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao. Tổ chức sản xuất theo hướng
liên kết, sản xuất có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC) để nâng cao chất lượng,
giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường thế giới.
Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất
lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển nuôi
tôm và các khâu trong chuối sản xuất theo hướng công nghệ cao để giảm lao động
trực tiếp, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Cập nhật
và thông tin kịp thời các quy định thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại
thúc đẩy xuất khẩu. Nắm bắt, tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu tôm
vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (Hiệp định
EVFTA, CPTPP, UKVFTA). Kịp thời hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Nghiên cứu, xây dựng trình ban hành Nghị định quản lý về thương hiệu
nông sản, trong đó có sản phẩm tôm. Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nguồn vốn tín dụng
ưu đãi cho các doanh nghiệp nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm.
Bộ Công Thương đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định thương mại để đa dạng
hóa thị trường sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết, khai thác
các cơ hội từ các hiệp định. Ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại mở rộng thị
trường, kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm tôm. Thương vụ Việt Nam
tại nước ngoài nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu, quy định thị trường để Bộ
NN&PTNT định hướng phát triển thị trường sản phẩm tôm. Tăng cường kết nối
giao thương doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu.
VTH st
(www.tongcucthuysan.gov.vn/Hải Đăng)