Ngành nông sản phải nhanh chóng thích ứng với rào cản mới

26/02/2025 - 14:38 | Thông tin doanh nghiệp cần biết

Ngay từ đầu năm 2025, ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, nhờ phản ứng nhanh với các rào cản kỹ thuật trên thị trường xuất khẩu, cùng sự vào cuộc khẩn trương từ cơ quan chức năng, đã giúp các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm và nông sản Việt Nam đứng vững.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 1 ước đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024. Xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt như châu Mỹ, châu Á và châu Âu đều suy giảm, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 1,21 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ.

Một trong những nguyên nhân là do gián đoạn nguồn cung từ các quốc gia bị áp thuế khiến giá cả hàng hóa, nhiên liệu và nguyên liệu sản xuất dao động mạnh; chi phí vận chuyển quốc tế tăng mạnh; tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn và cửa khẩu biên giới làm tăng chi phí lưu kho, kéo dài thời gian giao hàng. Một số mặt hàng chủ lực như thủy sản và nông sản đang gặp khó khăn do các thị trường xuất khẩu siết chặt chính sách thương mại hoặc điều chỉnh tiêu chuẩn nhập khẩu.

Song song với đó, WTO đã đưa ra hơn 1.000 thông báo và dự thảo về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật. Phần lớn các quy định mới liên quan đến mức dư lượng tối đa của thuốc bảo vệ thực vật, chất phụ gia thực phẩm và tiêu chuẩn an toàn đối với từng sản phẩm nông sản, thực phẩm, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là thủy sản, rau quả, cà phê và hồ tiêu.

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe trong tình hình hiện nay giúp tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam nhưng cũng làm tăng chi phí sản xuất và kiểm định chất lượng, gây áp lực lớn lên doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Doanh nghiệp phải đối mặt với việc tăng giá thành sản phẩm, khiến hàng hóa Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh so với các nước có chi phí sản xuất thấp hơn như Thái Lan và Indonesia.

Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển quốc tế tăng cao và các thủ tục kiểm định kéo dài cũng làm giảm tốc độ tiếp cận thị trường, ảnh hưởng đến tính linh hoạt của doanh nghiệp trong việc đáp ứng đơn hàng lớn từ châu Âu, Mỹ. Một số doanh nghiệp đã phải tìm cách cắt giảm chi phí hoặc điều chỉnh giá bán để duy trì thị phần, trong khi những doanh nghiệp khác đầu tư mạnh vào công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất nhằm giảm bớt chi phí gia tăng.

Hiện tại, sự phản ứng kịp thời từ phía các cơ quan chức năng bằng việc đưa vào hoạt động cacs Trung tâm kiểm nghiệm chất vàng O tại các tỉnh thành trong cả nước đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp thích ứng với rào cản thị trường. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, nếu thích ứng tốt thì năm 2025, xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sẽ đạt bước đột phá lớn.

Lài Nguyễn – PTNT