Ngành nghề nông thôn với những kết quả đạt được và những hứa hẹn trong thời gian tới

06/03/2024 - 13:49 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Ngành nghề nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho một số bộ phận gia đình ở nông thôn, đặc biệt góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới. Việc phát triển các ngành nghề ở nông thôn một cách bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có hơn 3.407 hộ/cơ sở với hơn 11.600 lao động trong đó số lao động thường xuyên chiếm 75%, lao động thời vụ chiếm 25% tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, được chia thành các nhóm: Chế biến, bảo quản nông thủy sản; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thuê ren, đan lát, cơ khí nhỏ; Xử lý chế biến nguyên vật liệu; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; Sản xuất muối; Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn đạt hơn 3.698 tỷ đồng; trong đó, nhóm ngành chế biến, bảo quản, nông lâm thủy sản có giá trị sản lượng lớn nhất đạt trên 1.580 tỷ đồng, chiếm 42,7%.

Tính đến nay có 6 nghề  truyền thống, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận gồm các nghề 1. Nghề truyền thống bún Long Kiên, phường Phước Nguyên, thành phố Bà Rịa; 2. Nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền; 3. Nghề truyền thống rượu Hoà Long, thành phố Bà Rịa; 4. Nghề truyền thống bánh hỏi An Nhứt, huyện Long Điền; 5. Nghề truyền thống Sò ốc mỹ nghệ phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu; 6. Nghề truyền thống sản xuất muối huyện Long Điền; và Làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền.

Để bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, những năm qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai thực hiện  nhiều hoạt động hỗ trợ. Trong đó chú trọng củng cố, đầu tư về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc cho các cơ sở ngành nghề nhằm tạo sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội, và ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

Căn cứ Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 07/7/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch, nhiệm vụ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong năm 2023, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức họp triển khai, phối hợp với UBND các địa phương khảo sát hiện trạng và hỗ trợ vật tư, thiết bị cho 15 hộ thuộc nghề truyền thống rượu Hoà Long, Thành phố Bà Rịa; 10 hộ thuộc nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền; 01 cơ sở thuộc nghề truyền thống sò ốc mỹ nghệ là Cơ sở sản xuất Thanh Thêm tại thành phố Vũng Tàu.



nHình ảnh: Ông Vũ Ngọc Đăng – Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch phát triển NNNT năm 2024 đến các cơ sở NNNT trên địa bàn


Trong năm 2024, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là các ngành nghề truyền thống, ngành nghề có giá trị kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng nhanh giá trị sản xuất của các ngành nghề và dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường và tôn tạo, gìn giữ không gian nông thôn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cần chú trọng một số các giải pháp, cụ thể như sau:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động ngành nghề nông thôn được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.

- Hỗ trợ tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia hội thi, hội chợ triển lãm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.

- Tiếp tục duy trì, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn.

- Xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm gắn với các điểm tham quan hoạt động ngành nghề; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói.

- Triển khai có hiệu quả kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng công tác đào tạo tay nghề cho người làm việc tại các cơ sở ngành nghề nông thôn về kỹ năng thiết kế mẫu mã, kỹ năng quản lý sản xuất, kinh doanh và phát triển sản phẩm gắn với an toàn vệ sinh lao động.

- Tham mưu hỗ trợ kinh phí về nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền cho các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Lập, thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đạt các tiêu chí theo quy định.

Lài Nguyễn – Chi cục Phát triển nông thôn