Ngành hồ tiêu tìm phương án ứng phó thách thức kép
23/04/2025 - 08:59 | Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Điều này đòi hỏi
ngành hồ tiêu phải có cách ứng phó linh hoạt về thị trường cũng như không ngừng
cải thiện chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là nội dung được các chuyên
gia, doanh nghiệp thảo luận tại Hội nghị đối tác công tư ngành hồ tiêu năm 2025
do Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh,
ngày 17/4.
Ông Lê Việt Anh, Tổng
thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam thông tin: Lũy kế hết quý
I/2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 47.660 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu
đen đạt 39.853 tấn, tiêu trắng đạt 7.807 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt
326,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu giảm 16,1%, tuy nhiên
kim ngạch xuất khẩu tăng đến 38,6%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong quý
I đạt 6.711 USD/tấn, tăng 94,9% và tiêu trắng đạt 8.617 USD/tấn, tăng 73,9% so
với cùng kỳ năm 2024. Về thị trường, Hoa Kỳ vẫn là điểm đến xuất khẩu lớn nhất
chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam
cũng là nước cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Hoa Kỳ, chiếm tới 77% tổng lượng hạt
tiêu mà nước này nhập khẩu.
Trong bối cảnh nhiều
biến động về chính sách thuế, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA nhận định: Đây
là thách thức lớn mà ngành hồ tiêu Việt Nam gặp phải. Ngay khi thuế nhập khẩu
10% được áp dụng, đã có một số nhà mua hàng tại Hoa Kỳ tạm dừng mua vào để cân
nhắc. Điều này cho thấy thị trường đang rất nhạy cảm với thuế và giá cả; hồ
tiêu Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt với hồ tiêu của Brazil,
Indonesia bởi mức thuế đối ứng của họ thấp hơn.
“Ngành hồ tiêu đặt
hy vọng Chính phủ sẽ đàm phán để hạ mức thuế đối ứng xuống thấp nhất. Trong thời
gian tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày, doanh nghiệp nào có đối tác yêu cầu giao
hàng cần tranh thủ tối đa. Song song đó, doanh nghiệp cũng phải tính đến phương
án tìm kiếm khách hàng ở các thị trường khác như châu Âu, châu Á, Trung Đông,…
Bởi nếu thuế đối ứng với hồ tiêu Việt Nam sau đàm phán vẫn cao hơn các đối thủ
cạnh tranh, thị phần tiêu Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ giảm xuống”, bà Hoàng Thị Liên
khuyến nghị.
Theo bà Hoàng Thị
Liên, ngoài thuế quan, ngành hồ tiêu cũng đang đối diện với nhiều cảnh báo về
dư lượng các loại hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật từ thị trường Trung Quốc và
EU. VSPA sẽ tiến hành rà soát kết quả kiểm nghiệm dư lượng định kỳ theo quý;
phân tích xu hướng, nhận diện rủi ro dư lượng vượt ngưỡng để đưa ra cảnh báo sớm
và đề xuất điều chỉnh kỹ thuật khi cần.
Về lâu dài, VSPA đề
xuất triển khai dự án phát triển an toàn, bền vững và nâng cao chất lượng sản
phẩm hồ tiêu Việt Nam. Theo đó, hiệp hội phối hợp với các đối tác, nông dân xây
dựng các mô hình canh tác hồ tiêu tái canh, tuân thủ dư lượng thuốc bảo vệ
thực vật (MRLs) và phát thải thấp; hỗ trợ nông dân tiếp cận các công nghệ mới,
kỹ thuật sinh học và giải pháp canh tác an toàn, hiệu quả kinh tế cao.
Ông Ngô Bá
Lương, Quản lý vùng nguyên liệu hồ tiêu phía nam Công ty Hương
Gia Vị Sơn Hà chia sẻ: Công ty chuyên liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã
sản xuất tiêu hữu cơ xuất khẩu. Sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông dân có thể
bán giá cao hơn 30% so với các loại tiêu khác. Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu hữu
cơ dễ dàng tiếp cận các thị trường cao cấp, ít chịu sự cạnh tranh về giá hơn.
Tuy nhiên, vấn đề
nan giải nhất của vùng nguyên liệu hữu cơ hiện nay là tình trạng nhiễm chéo hoá
chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ các vùng lân cận. Hiện nay, công ty
đang hướng dẫn nông dân, hợp tác xã trồng các loại cây có tán cao bao quanh vườn
tiêu hữu cơ để hạn chế lượng thuốc từ các vườn xung quanh.
DNT (nguồn: Hiệp hội
Hồ tiêu và cây gia vị VN)