Nâng cao hiệu quả công tác Phòng chống bệnh Dịch tả heo châu Phi thông qua thay đổi 6 thói quen trong chăn nuôi
10/03/2022 - 08:18 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Bệnh Dịch tả
heo châu Phi là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, hiện chưa có vắc xin phòng
bệnh. Theo đánh giá của cơ quan chuyên ngành thú y, nguy cơ bệnh tái bùng phát
và xảy ra tại các địa phương là rất cao, do chăn nuôi ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ,
phân tán vẫn chiếm đại đa số. Đây có thể là nguyên nhân lưu truyền và phát tán
mầm bệnh ra ngoài vì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường không đảm bảo điều kiện vệ
sinh thú y và không thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi. Để ngăn ngừa và
giảm thiểu nguy cơ mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trại, cần tuyên truyền,
thay đổi các thói quen của người công nhân tại các trại chăn nuôi để phòng chống
bệnh Dịch tả heo châu Phi bao gồm:
1. Tắm rửa, thay quần áo bảo hộ sạch trước
khi vào khu vực chăn nuôi
Đa số các trại
chăn nuôi thường bố trí khu vực chăn nuôi biệt lập và cách xa với các khu vực
phụ trợ khác. Khi thời tiết lạnh, áp lực mầm bệnh cao do hầu hết các vi sinh vật
có sức đề kháng cao ở nhiệt độ thấp. Đối với vi rút Dịch tả heo châu Phi có thể
tồn tại khoảng 20 phút ở nhiệt độ 600C, 70 phút ở nhiệt độ 560C,
đặc biệt vi rút có thể tồn tại và phát triển ở nhiệt độ 40C trong thời
gian 18 tháng. Do đó, nếu không duy trì việc tắm rửa, thay quần áo bảo hộ sạch
trước khi vào khu vực chăn nuôi sẽ làm tăng nguy cơ heo tiếp xúc với mầm bệnh
qua quần áo bảo hộ.
Thực tế tại
các trang trại chăn nuôi, để khuyến khích công nhân thực hiện thói quen này,
thường lắp đặt máy nước nóng, trang bị đồng phục sạch hoặc đồng phục có màu sắc
khác nhau dành cho công nhân, kỹ thuật, khách tham quan tại phòng tắm sát trùng
trước cổng trại. Sau mỗi buổi chăm sóc heo, công nhân cần thực hiện công việc
làm sạch cơ học quần áo bảo hộ trước khi ngâm vào thuốc sát trùng với liều lượng
và thời gian thích hợp sau đó giặt lại bằng nước sạch và phơi khô để tiêu diệt
mầm bệnh bám trên quần áo.
2. Thay ủng trước và sau khi ra vào chuồng
nuôi
Việc bố trí và
sử dụng riêng biệt ủng đi bên ngoài và bên trong chuồng cũng được xem là một
trong những biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài vào chuồng
nuôi và hạn chế lây lan dịch bệnh từ chuồng nuôi này qua chuồng nuôi khác trong
cùng khu vực chăn nuôi. Ủng của công nhân thường tiếp xúc với nhiều chất hữu cơ
như đất, cát, chất thải đặc biệt là phân, nước tiểu chứa mầm bệnh. Khi công
nhân vào chuồng nuôi mà không thực hiện thay ủng sẽ có khả năng mang mầm bệnh
vào nền chuồng. Trong khi đó, heo lại có thói quen ủi nền/tường chuồng và tiếp
xúc trực tiếp với ủng của công nhân thông qua hành vi ủi hoặc cắn vào ủng, từ
đó tạo điều kiện heo tiếp xúc với mầm bệnh từ ủng công nhân.
Để nâng cao ý
thức, nhắc nhở công nhân thay ủng trước khi vào trại, cần bố trí ủng khác màu để
đi bên trong và bên ngoài chuồng. Hai loại ủng này cần được vệ sinh sạch sẽ sau
quá trình sử dụng và đặt tại hai giá đỡ khác nhau để hạn chế lây lan mầm bệnh từ
ủng màu này sang ủng màu khác. Trước cửa ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố vôi,
thường xuyên kiểm tra pH và bổ sung nước vôi để tiêu diệt mầm bệnh từ ủng công
nhân trước khi vào chuồng.
3. Vệ sinh tay bằng cồn trước khi vào chuồng
Theo khuyến
cáo, nếu người chăn nuôi thực hiện rửa tay bằng xà phòng khoảng 20 giây, sau đó
thực hiện khử trùng tay bằng cồn trong 15 giây trước khi vào chuồng nuôi sẽ làm
giảm rủi ro mang mầm bệnh vào trại do tay của công nhân có thể vấy nhiễm mầm bệnh
từ công việc sinh hoạt hằng ngày như vệ sinh thịt heo, nấu ăn, đi chợ … mà
không thực hiện vệ sinh sát trùng tay trước khi vào chuồng nuôi sẽ tạo điều kiện
cho heo tiếp xúc với mầm bệnh thông qua việc chăm sóc, vệ sinh chuồng trại.
Để duy trì
thói quen này, các trang trại chăn nuôi thường bố trí bình cồn tại vị trí tay nắm
cửa chuồng nuôi để luôn nhắc nhở công nhân vệ sinh tay trước khi mở cửa chuồng.
Ngoài ra, công nhân có thể sử dụng găng tay trong quá trình chăm sóc heo và tiến
hành sát trùng bằng cồn bên ngoài găng tay trước khi vào chuồng giúp đảm bảo an
toàn sinh học và hạn chế tình trạng khô da tay.
4. Không đi qua lại giữa các ô chuồng qua
vách ngăn
Các vách ngăn
giữa các ô chuồng thường được xây dựng ở độ cao thấp, trong quá trình chăm sóc,
vệ sinh chuồng trại hằng ngày, để tiết kiệm thời gian, công nhân thường bước
qua vách ngăn này để di chuyển giữa các ô chuồng trong cùng 1 trại. Khi 1 ô chuồng
gặp vấn đề dịch bệnh, heo mắc bệnh thường bài thải mầm bệnh qua dịch tiết,
phân, nước tiểu. Do đó, ủng của công nhân chăm sóc ô heo mắc bệnh sẽ bị vấy nhiễm
mầm bệnh và quá trình di chuyển từ ô này sang ô khác mà không đi qua hố vôi bố
trí trong chuồng sẽ mang mầm bệnh từ ô này sang ô khác và làm lây lan dịch bệnh
trong các ô chuồng.
5. Không mua thịt heo và sản phẩm từ thịt heo
ở bên ngoài vào trại
Vi rút dịch tả
heo châu Phi có thể tồn tại trong thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt heo
trong khoảng thời gian từ 30 đến 300 ngày, do đó, tuyệt đối không được phép mua
thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo ở bên ngoài vào trại.
Tuy nhiên để đảm
bảo dinh dưỡng trong các bữa ăn của công nhân, các trại thường áp dụng quy
trình “tự cung cấp” bằng cách sử dụng thịt heo không bị bệnh và cấp đông để sử
dụng dần hoặc đặt các suất ăn công nghiệp cho công nhân sử dụng.
6. Xử lý xác heo chết đúng kỹ thuật
Bên cạnh những
rủi ro mang mầm bệnh vào trại từ thói quen sinh hoạt và hoạt động chăm sóc heo
của công nhân thì việc tiêu hủy xác heo chết không đúng kỹ thuật củng là một
trong những nguy cơ làm dịch bệnh tái bùng phát trại trại. Các lỗi gặp phải
trong quá trình xử lý xác heo chết là khi chôn heo không sử dụng vôi bột để
tiêu độc sẽ làm mầm bệnh từ xác heo chết không bị tiêu diệt, mầm bệnh thấm vào
đất và nguồn nước ngầm hoặc tràn vào hồ chứa nước bề mặt. Nếu trại sử dụng nguồn
nước này cho heo mà không qua xử lý sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh
đó, nếu độ sâu của hố chôn không đạt yêu cầu, trong quá trình phân hủy xác heo
chết sẽ tạo ra mùi hôi thối, thu hút một số động vật như chó, mèo đào bới hố
chôn làm phát tán mầm bệnh ra nhiều khu vực chăn nuôi. Khi phát hiện heo mắc bệnh,
không nên bán heo chết ra ngoài và vứt xác heo bừa bãi. Nên thực hiện việc tiêu
hủy bằng cách đốt bằng lò đốt chuyên dụng hoặc đào hố chôn có độ sâu ít nhất 3
m, phun thuốc sát trùng và rải vôi để tiêu diệt mầm bệnh.
Việc thay đổi
thói quen của công nhân là rất khó nên trong quá trình thực hiện cần có biện
pháp theo dõi, đánh giá, khen thưởng những công nhân làm đúng và phân tích, hướng
dẫn những công nhân làm chưa đúng để hình thành thói quen góp phần nâng cao nhận
thức của công nhân trong việc thực hiện an toàn sinh học, từ đó chủ động trong
công tác kiểm soát dịch bệnh./.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y (t/h)