Mở lối xuất khẩu trứng

14/05/2024 - 14:13 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Từ đầu tháng 5/2024 giá trứng bắt đầu tăng cao, đến ngày hôm nay 14/5/2024 giá trứng tại khu vực miền Nam giá trứng gà trắng dao động từ 2.000 – 2.400đ/quả; giá trứng gà đỏ trung bình 1.900đ/quả. Đây là tín hiệu tích cực đối với các trang trại chăn nuôi gia cầm sản xuất trứng. Bởi từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 4, giá trứng gà liên tục giảm. Đặc biệt, đầu tháng 3, giá trứng giảm mạnh khiến người nuôi gà đẻ thua lỗ. Nguyên nhân giá trứng tăng được cho rằng thời điểm sau Tết, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục trở lại, bếp ăn tập thể mở cửa nhưng cũng chỉ tiêu thụ một lượng trứng nhất định. Thế nên, theo quy luật thường vào thời điểm này nguồn cung luôn vượt cầu, giá trứng sẽ rẻ hơn so với các mùa khác trong năm. Đến thời điểm hiện tại do nguồn cung hạn chế dẫn đến giá trứng tăng.

             Cần đẩy mạnh xuất khẩu trứng

          Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2023, sản lượng trứng gia cầm của nước ta ước đạt 19,2 tỷ quả, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, năm 2023, cả nước chỉ xuất khẩu hơn 34 triệu quả, dù tăng hơn 3,1 lần so với năm 2022 nhưng mới chỉ chiếm 1% tổng sản lượng sản xuất. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tổng đàn gia cầm đứng hàng đầu thế giới nên dự kiến số lượng trứng gia cầm sẽ còn tăng trong năm 2024. Tuy nhiên, sản phẩm của ngành hàng này chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, xuất khẩu chiếm tỷ trọng không đáng kể.

          Cuối tháng 7/2023, sau hơn 4 năm, thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) đã gỡ bỏ lệnh cấm và cho phép nhập khẩu trứng, sản phẩm trứng gia cầm từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai. Cùng với đó mới gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đàm phán xong việc xuất khẩu thịt gia cầm, trứng gia cầm sang Mông Cổ. Phân tích thị trường chăn nuôi gia cầm ở Mông Cổ chiếm tỷ trọng rất thấp. Vì vậy, đây là một thị trường tiềm năng. Các sản phẩm trứng gia cầm của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi tiếp cận thị trường này. Nhưng công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khi thương hiệu trứng gia cầm của các doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được độ uy tín và thông dụng.

          Để mở rộng xuất khẩu, ngành chăn nuôi Việt Nam cần đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với thị trường xuất khẩu, kiểm soát tốt các khâu về an toàn sinh học, dịch bệnh… Cùng với đó, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh hơn nữa công tác chế biến sâu, vừa hạn chế những khó khăn khi xuất khẩu trứng tươi mà vừa tạo giá trị cao hơn cho sản phẩm như chuyển hướng xuất khẩu trứng chế biến, trứng vịt muối, trứng ăn liền…, Điều này cần sự chủ động và chiến lược kinh doanh dài hạn của mỗi doanh nghiệp. Do vậy, chính sách cho ngành này cũng cần thuận lợi hơn với sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng đàn gia cầm khoảng 6,7 triệu con, sản lượng trứng cung cấp ra thị trường khoảng gần 300 triệu quả/năm, chất lượng trứng của Bà Rịa –Vunga Tàu được đánh giá cao, dư địa phát triển còn rất nhiều. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã định hướng ngành chăn nuôi gia cầm: tăng sản lượng nuôi, chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng nâng cao tỷ trọng gà lông màu; tăng sản lượng một số giống vịt có năng suất cao, đặc biệt là vịt giống và vịt đẻ trứng. Tập trung chăn nuôi gia cầm công nghiệp, sử dụng thức ăn vi sinh; tăng tỷ lệ cơ cấu đàn gia cầm nuôi tập trung trong các trang trại lên trên 70% so với tổng đàn gia cầm toàn tỉnh tại Quyết định số 3605/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

                                                     Hạnh Nguyễn – Chi cục Chăn nuôi và Thú y