Mở cửa thị trường nông sản còn nhiều khó khăn
30/05/2024 - 08:35 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Nghiên cứu các sản
phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường đang là trọng tâm của nhiều
doanh nghiệp nông nghiệp lớn của Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Trong 3 tháng đầu năm
2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản của nước ta đạt 12,25 tỷ
USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm khoảng 13,2% trong tổng kim
ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cục Chất lượng, Chế
biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) vừa tổ chức cuộc họp lần thứ nhất của
Tổ đàm phán, mở cửa và phát triển thị trường nông lâm thủy sản thuộc Ban Chỉ
đạo chất lượng, an toàn thực phẩm và phát triển thị trường.
Bà Phạm Thị Lâm
Phương, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy
sản Việt Nam sang các thị trường cũng đang gặp phải một số khó khăn như: Nhu
cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Anh đang có
xu hướng giảm do tình trạng lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, tỷ lệ
thất nghiệp tăng, kinh tế vĩ mô nhiều nước còn bất ổn.
Người tiêu dùng tại
các thị trường ngày càng quan tâm không chỉ tới nguồn gốc, chất lượng thực phẩm
mà còn quan tâm đến cách thức làm ra sản phẩm, hay cách doanh nghiệp đối xử với
người lao động, môi trường và xã hội.
Những bất ổn liên quan
đến căng thẳng địa chính trị khu vực và toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp;
giá đầu vào các nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang ở mức cao.
Sản phẩm nông sản Việt
Nam xuất khẩu chủ yếu là hàng đông lạnh, nguyên liệu thô hoặc sơ chế qua, sản
phẩm chế biến sâu có giá trị cao vẫn còn ít. Đối với hàng thủy sản sang EU, từ
năm 2017, Việt Nam đã nhận cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu về
IUU.
"Đặc biệt, cạnh
tranh giữa các thị trường xuất khẩu có thể gia tăng khi nhiều quốc gia quan tâm
tới việc ký kết, gia nhập các FTA như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN -
Canada khởi động từ tháng 8/2022 mang lại lợi thế cho các nhà cung cấp như
Indonesia hay Philippines; hay việc một số nền kinh tế đã bày tỏ sự quan tâm
tới việc gia nhập Hiệp định CPTPP...", bà Phương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Hiếu,
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, với thị trường
Trung Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ ưu tiên đàm phán để mở cửa đối với mặt hàng
dừa tươi và sầu riêng đông lạnh, trong khi vẫn tiếp tục làm việc để hoàn thiện
dự thảo Nghị định thư đối với quả mít.
Quả mít là mặt hàng
truyền thống đang xuất khẩu chính ngạch, nhưng phải thực hiện ký kết Nghị định
thư theo lộ trình chuẩn hóa quy định đã thống nhất với Hải quan Trung Quốc.
Tiếp sau quả mít sẽ là nhãn, vải, chôm chôm.
Riêng với dược liệu,
Trung Quốc đã gửi dự thảo Nghị định thư. Cục Bảo vệ Thực vật đang rà soát và
lấy ý kiến góp ý các bên liên quan và thúc đẩy ký kết. Tuy nhiên mặt hàng này
có những đặc thù riêng nên còn nhiều khó khăn liên quan đến các đơn vị khác.
Với thị trường Hoa Kỳ,
sau mặt hàng dừa, chanh leo sẽ tiếp tục được mở cửa. Cục Bảo vệ Thực vật đang
đề xuất Hoa Kỳ mở rộng thêm các biện pháp xử lý, trên cơ sở các biện pháp đã
được các nước khác công nhận gồm: Xử lý lạnh đối với nhãn của Việt Nam xuất khẩu
sang Hoa Kỳ; xử lý hơi nước nóng đối với xoài, thanh long; xử lý Methyl Bromide
đối với vải.
"Quả bưởi xuất
khẩu sang thị trường Nhật Bản là khó khăn nhất, vì Nhật Bản yêu cầu thực hiện
một thí nghiệm kiểm chứng mà không sử dụng lại kết quả thí nghiệm từ các nước
khác. Thí nghiệm này có 4 giai đoạn, thời gian kéo dài khoảng 1 năm. Chính vì
vậy sẽ mất nhiều thời gian hơn, trong năm nay dự kiến khó hoàn thành
được", ông Hiếu nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hiếu
cũng chia sẻ thêm một số khó khăn trong công tác đàm phán, mở cửa thị trường
đối với một số sản phẩm trồng trọt như: Quy định kiểm dịch thực vật của các
nước thay đổi thường xuyên và ngày càng khắt khe hơn; các nước có xu hướng áp
dụng nhiều biện pháp phi thuế quan mới đối với hàng nông sản.
Quy trình đánh giá
nguy cơ dịch hại kéo dài, tốn nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Thiếu vùng
trồng tập trung quy mô lớn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu hiểu
biết hạn chế và chưa nhận thức đúng về việc tầm quan trọng của việc phải tuân
thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu...
Đặc biệt, ông Hiếu băn
khoăn "về các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu trong tương lai", cũng
như khả năng đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của người sản xuất và doanh nghiệp.
Đối với việc mở cửa
sản phẩm thủy sản sang các nước có nhu cầu nhập khẩu lớn, ông Đặng Văn Vĩnh,
Phó trưởng phòng An toàn thực phẩm, NAFIQPM thông tin, hiện nay có 25 quốc gia
và vùng lãnh thổ yêu cầu thẩm định, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất
khẩu; có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu lập danh sách cơ sở chế biến xuất
khẩu thủy sản.
Ông Vĩnh cũng chia sẻ
thêm một số vướng mắc mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang gặp phải tại các thị
trường nhập khẩu chính. Chẳng hạn như, tại EU, hiện nay, chỉ có các cơ sở chế
biến xuất khẩu trong danh sách được EU công nhận mới được phép xuất khẩu. EU
yêu cầu chặt chẽ đối với sản phẩm nhập khẩu (về chứng thư, kiểm soát theo cả
chuỗi), yêu cầu sản phẩm cá ngừ ngâm trong nước muối chỉ được dùng cho công
nghiệp đồ hộp,…
Tại thị trường Brazil,
thị trường này quy định chỉ cho phép sử dụng phụ gia phosphates bên ngoài lớp
mạ băng đối với sản phẩm thủy sản (bao gồm cá và tôm). Không quy định chế độ xử
lý nhiệt theo từng chỉ tiêu bệnh tôm mà quy định chung chế độ xử lý nhiệt cho
từng loại sản phẩm…
Hay tại thị trường
Arab Saudi đang áp dụng lệnh tạm đình chỉ với toàn bộ thủy sản nuôi của Việt
Nam.
Cục trưởng NAFIQPM
Nguyễn Như Tiệp chia sẻ quan điểm: "Ngoài các thị trường lớn, thị trường
truyền thống cần quan tâm hơn nữa đến các thị trường tiềm năng, thị trường
ngách và cả thị trường nội địa vốn còn rất nhiều tiềm năng".
Ông Tiệp cho hay, thời
gian tới, trước mắt sẽ tiến tới xây dựng một bản Dự thảo phân công công việc cụ
thể cho từng thành viên của Tổ đàm phán, mở cửa và phát triển thị trường nông lâm
thủy sản, nhằm phát huy thế mạnh theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Về
lâu dài, tiến tới xây dựng dữ liệu thông tin thị trường, quan trọng trong đó là
các thông tin về dung lượng thị trường, nhu cầu thị trường và thị hiếu thị
trường,…
Thảo Nguyên