Logistics xuyên biên giới: Bước tiến cho xuất khẩu nông sản Việt
04/12/2023 - 10:36 | Giá cả, thông tin thị trường
Đây
sẽ là một bước tiến xa để nông sản Việt Nam thuận lợi hơn trong việc tiếp cận
các thị trường nước ngoài, giảm thiểu chi phí, tăng lợi nhuận cho người nông
dân.
Ngày 22/10, tại Văn
phòng phía Nam, Bộ NN-PTNT đã diễn ra “hội
nghị song phương logistics xuyên biên giới” giữa các Tập đoàn Logictics
Việt Nam và Trung Quốc, bàn luận các vấn đề về logistics cho nông sản Việt Nam.
Hội nghị do Văn
phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động
thực vật Việt Nam (SPS), Bộ NN-PTNT, báo Nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Mega A
logistics phối hợp tổ chức. Cùng tham dự hội nghị có 2 “ông lớn” ngành
logistics của Trung Quốc là Tập đoàn cảng biển IPC Hạ Môn và Tập đoàn vận
chuyển container quốc tế SITC.
Ngoài ra, còn có đại diện Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) và Công ty Cổ phần Bảo
hiểm Ngân hàng nông nghiệp (ABIC) và một số doanh nghiệp lớn trong nước.
Phát biểu khai mạc
hội nghị, ông Lê Viết Bình, Phó Chánh văn phòng phía Nam, Bộ NN-PTNT, Thường
trực Tổ công tác 970 cho biết, đây là sự kiện đặc biệt quan trọng trong quan hệ
hợp tác song phương giữa 2 quốc gia trong sự phát triển bền vững của ngành nông
nghiệp và hệ thống logistics quốc tế. Sự hợp tác này đánh dấu một bước tiến
quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững giữa 2 tập đoàn
hàng đầu của Trung Quốc là IPC và SITC, trong việc đầu tư vào cảng biển và vận
tải biển, cùng các tập đoàn logistics của Việt Nam như Mega A, Công ty Cổ phần
bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp ABIC (Agribank) trong việc hỗ trợ tài chính cho
ngành nông nghiệp Việt Nam.
“Năm 2022, kim
ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36%, thặng dư thương mại đạt trên 8,5
tỷ USD, tăng 30% so với năm trước. 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên
1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng trên 3 tỷ USD... Nếu chúng ta thực hiện tốt
giải pháp logistics, thì tăng trưởng không chỉ dừng ở những con số trên, mà sẽ
cao hơn nhiều”, ông Bình nhấn mạnh.
* Logistics xuyên biên giới: Rút
ngắn thời gian, giảm chi phí:
Nói về cụm từ
“logistics xuyên biên giới”, ông Đặng Đình Long, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc
Tập đoàn Mega A giải thích: “Thực ra, đây không phải là một khái niệm mới. Nôm
na là một trạm, một điểm dừng, tức hàng hóa có thể từ nước xuất khẩu đến với
nước nhập khẩu một cách nhanh chóng nhất mà không phải thông qua nhiều khâu
kiểm tra như trước. Để làm được việc này thì hàng hóa sẽ được kiểm tra kỹ các
khâu từ điểm đầu (nước xuất khẩu), sau đó, đi thẳng đến trạm dừng (điểm cuối).
Nói cách khác, logistics xuyên biên giới là xử lý tất cả các khâu liên quan tại
một điểm. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là đối với sản phẩm hàng hóa
là nông sản hay thực phẩm. Những mặt hàng coi trọng vấn đề thời gian nhanh nhất
nhằm bảo đảm chất lượng, độ tươi ngon.
Theo phân tích của
ông Long, nông sản nếu vận chuyển lâu quá vì phải qua nhiều lần bốc dỡ kiểm tra
thì chất lượng sẽ giảm, thậm chí hư hỏng. Vì thế, yếu tố thời gian rất quan
trọng. Để sản phẩm đạt chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh và giá thành tăng
thì phải nhanh nhất có thể. Đó là lý do phải có logistics xuyên biên giới.
Trả lời câu
hỏi “Vận chuyển logistics xuyên biên giới khi có rủi ro về sản phẩm giảm chất
lượng, hư hỏng, hoặc thiếu hụt, thì giải quyết thế nào?”, ông Long giải thích:
“Nông sản được mua bảo hiểm trong vận chuyển, nên nông dân, công ty xuất khẩu
không phải lo lắng việc giảm chất lượng khi sang nước nhập khẩu. Nếu hàng hóa
xảy ra sự cố hư hỏng trong quá trình di chuyển, bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm.
"Logistics xuyên biên giới” sẽ tạo ra một chuỗi liên kết giá trị, từ đơn
vị bảo hiểm, ngân hàng, đến đơn vị cảng biển, hãng tàu, các doanh nghiệp logistics
và các chủ hàng. Chuỗi liên kết này tạo ra sự an toàn, tin cậy hơn”.
Theo ông Long,
“Logistics xuyên biên giới” không chỉ rút ngắn thời gian, mà còn giúp giảm chi
phí đáng kể. Theo thống kê tại thị trường Việt Nam, chi phí cho logistics chiếm
từ 14 - 18%. Còn thực hiện logistics xuyên biên giới, tổng chi phí dịch vụ sẽ
giảm từ 5 - 8%. Ngoài ra, logistics sẽ thông qua liên kết hệ thống cảng để đưa
nông sản vào sâu trong thị trường nhập khẩu, có thể tiếp cận với những phân
khúc khách hàng cao hơn.
* Yêu cầu thị trường tỷ dân ngày càng cao:
Nói về tiềm năng,
độ khó của thị trường tỷ dân, ông Long cho biết: “Tiềm năng của thị trường
Trung Quốc đối với Việt Nam là vô cùng lớn. Nhưng, yêu cầu về chất lượng nông
sản, thủy hải sản của họ ngày càng cao. Không chỉ cụ thể bằng Nghị định 248,
249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, mà thị trường trong dân, các doanh nghiệp
nội địa họ cũng đòi hỏi rất cao về chất lượng. Do đó, chúng ta phải đặt tiêu
chí chất lượng nông sản lên hàng đầu. Nhưng sản phẩm có chất lượng thì chi phí
đầu tư cao, nếu kéo thêm chi phí dịch vụ cao nữa thì rất khó khăn cho người
nông dân. Vì thế, “logistics xuyên biên giới” là một trong những giải pháp khả
thi để góp phần nâng cao giá trị nông sản, giảm chi phí, tăng thu nhập”.
Tại hội nghị, ông
Nguyễn Thiên Tá, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên (mặt hàng chủ lực là
xuất khẩu hạt điều) cho biết, Thảo Nguyên là đơn vị chuyên sản xuất hạt điều và
dầu điều. “Bình quân mỗi tháng đơn vị chúng tôi xuất khoảng gần 100 container
đi nhiều thị trường chứ không phải là một riêng thị trường Trung Quốc. Nhưng
hiện nay, đủ loại chi phí logistics phát sinh, từ vận chuyển công, vận chuyển
hãng tàu, kiểm tra hang hoá, bốc dỡ…ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu. Nên nếu
chúng ta kết nối, phát triển được vấn đề “logistics xuyên biên giới” với các
tập đoàn logistics của phía Trung Quốc thì không còn gì bằng. Trung Quốc là thị
trường rất lớn. Lợi thế là chúng ta ở rất gần so với thị trường Mỹ và Châu Âu,
khi vận chuyển thời gian ngắn.
Vừa qua, tôi
có đi tham khảo thị trường ở một số tỉnh của Trung Quốc, tôi thấy bây giờ tiêu
chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với Trung Quốc rất cao, có thể ngang với
châu Âu, Mỹ, nên sau khi trở về, chúng tôi phải lên kế hoạch định hướng lại một
phần về đầu tư, phát triển, sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, tăng cường an toàn
vệ sinh thực phẩm. Một phần quan trọng trong quá trình này chính là vấn đề
logistics. Nếu đầu tư nhiều mà chi phí vận chuyển cao thì sẽ là một khó khăn
đối với doanh nghiệp. Nay tham dự hội nghị này, tôi rất kỳ vọng về “logistics
xuyên biên giới”, nếu thực hiện theo quy trình này, thì chi phí giảm nhiều, sản
phẩm sẽ cạnh tranh về giá, dễ tiêu thụ hơn. Các mặt hàng nông sản khác có điều
kiện hơn để đầu tư thêm về chất lượng", ông Nguyễn Thiên Tá chia sẻ.
Liên quan đến việc
xuất khẩu nông sản của Việt Nam, tại hội nghị, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc
Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN-PTNT cho biết, trung bình, mỗi năm Văn phòng SPS
Việt Nam nhận hơn 1.000 thông báo thay đổi kiểm tra hàng hóa, trong đó có 80%
là yêu cầu nâng cao an toàn thực phẩm. Thời gian tới, các Hiệp định thương mại
tự do đưa hàng rào thuế quan về 0% nên các nước sẽ nâng cao tiêu chí kiểm tra
chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Logistics xuyên biên giới sẽ giảm rủi
ro từ vùng trồng đến nơi nhập khẩu. Các công ty ký kết với Văn phòng SPS sẽ
thường xuyên có thông tin cập nhật hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất thông
tin dịch bệnh, kiểm dịch trước khi xuất khẩu. Hiện, chi phí logistics nông sản
khoảng 20 - 25%, nhưng logistics xuyên biên giới sẽ hoàn thiện các đoạn nối
tiếp giữa các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu, giảm chi phí thêm từ 5 - 7%.
Cuối hội
nghị, các bên đã thống nhất nhiều nội dung hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhằm
thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, tăng cường mối quan hệ và nâng cao hệ
thống logistics xuyên biên giới giữa 2 nước bằng việc ký kết ghi nhớ hợp tác
giữa Văn phòng SPS Việt Nam và Tập đoàn Mega A. Đồng thời, ký kết ghi nhớ hợp
tác 6 bên giữa Tập đoàn SITC, Mega A Việt Nam, Abic, Agribank, Tập đoàn Longma
- Chuỗi cung ứng và đại diện chủ hàng từ Việt Nam, công ty Thảo Nguyên.
Các nội dung ký kết
chính là tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin để tăng cường học hỏi; hợp tác
về lĩnh vực xuất khẩu thủy, hải sản, nông sản Việt Nam qua đường biển, cụ thể
là với hãng tàu SITC và cảng Hạ Môn Trung Quốc; bàn về việc phát triển hàng hóa
trên kênh thương mại điện tử; thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến tài chính
như bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm hàng hóa, nhất là nông sản qua vận chuyển đường
biển./.
Ngọc Hà (ST)