Liên kết để phát triển cây ca cao bền vững

10/10/2024 - 15:55 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Với chủ đề “Hợp tác ASEAN và các phương pháp tiếp cận chung trong Chương trình thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp”, hội thảo CLB ca cao ASEAN (ACC) lần thứ 24 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức từ đầu tháng 10 tại TP.Vũng Tàu.

Triển vọng từ cây ca cao

Báo cáo tại hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, đến nay, Việt Nam có 3.471ha ca cao, diện tích thu hoạch 2.836ha, sản lượng 4.786 tấn hạt khô, năng suất 16,9 tạ hạt khô/ha. Sản xuất ca cao tập trung tại các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung bộ.

Mô hình liên kết sản xuất, đầu tư sản xuất ca cao quy mô tập trung được một số DN triển khai như Công ty TNHH DV-TM ca cao Thành Đạt, Công ty Binon Cacao (Bà Rịa-Vũng Tàu) với chuỗi sản xuất, chế biến, kết hợp du lịch trải nghiệp. Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (Đồng Nai), Công ty Cao Nguyên Xanh (Đắk Lắk), Công ty TNHH Puratos Grand - Place Việt Nam… đã đầu tư chuỗi sản xuất, phát triển diện tích ca cao tập trung quy mô lớn. 100% hạt ca cao Việt Nam được lên men, đảm bảo chất lượng của các nhà thu mua chế biến và xuất khẩu.

Tại hội thảo, các nước trồng cây ca cao đến từ khu vực ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) đã chia sẻ, cung cấp thông tin về những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ca cao, quan điểm và chiến lược sản xuất ca cao giữa các nước ASEAN; tăng cường hợp tác trong phát triển và chuyển giao công nghệ; giải pháp nâng cao chất lượng và sản xuất ca cao đảm bảo VSATTP nhằm tăng giá trị sản phẩm, từ đó tạo thu nhập cho từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất ca cao.

Hội nghị cũng đưa ra các báo cáo về thuế quan và rào cản phi thuế quan đối với hạt ca cao và các sản phẩm ca cao; Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Khu vực thương mại tự do ASEAN (FTA) giữa ASEAN và các nước khác; quốc gia được hưởng ưu đãi nhất (MFN).

Để phát triển ca cao bền vững, Bộ NN-PTNT tiếp tục đầu tư dự án nghiên cứu, phát triển giống ca cao mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt có khả năng kháng bệnh thối trái do nấm Phytophthora và bọ xít muỗi; hỗ trợ vay vốn vay ưu đãi để mở rộng diện tích sản xuất theo chuỗi (sản xuất - thu mua - chế biến ca cao), kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...

Theo ông Lê Quốc Thanh, thời gian qua, mặc dù diện tích sụt giảm từ 25,7 ngàn ha ca cao năm 2012, đến nay chỉ còn 3.471ha, nhưng ca cao đang có những tín hiệu rất tốt và có nhiều triển vọng. Đặc biệt, hạt ca cao Việt Nam đã được Tổ chức Ca cao thế giới (ICO) đưa vào danh sách ca cao có hương vị tốt hàng đầu thế giới. Cây ca cao Việt Nam đang đứng trước cơ hội mới, do nhu cầu ca cao thế giới ngày càng tăng, đặc biệt là ở các nước đông dân và mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…

Mở ra cơ hội cho ca cao Bà Rịa-Vũng Tàu

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển mạnh diện tích trồng ca cao xen trong vườn tiêu, cây ăn trái đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện Bà Rịa-Vũng Tàu có diện tích cây ca cao đứng thứ nhì cả nước với 625ha, chỉ sau tỉnh Đắk Lắk 1.125ha.

Ca cao tập trung chủ yếu tại huyện Châu Đức. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chất lượng hạt ca cao lên men ở đây thuộc diện hàng đầu cả nước. Với mô hình trồng ca cao, nhiều nông dân rất kỳ vọng vì đầu ra sản phẩm đã được bao tiêu.

Theo ông Lê Ngọc Cần, Giám đốc HTX Ca cao Châu Đức, nếu canh tác tốt, ca cao trên 6 năm tuổi có thể đạt 3 tấn trái tươi/sào. 3 năm qua, giá trái ca cao tươi luôn ở mức từ 6.000-7.000 đồng/kg, nay đã tăng lên khoảng 12.000 đồng/kg, người trồng ca cao rất phấn khởi. Hiện nay, HTX Ca cao Châu Đức đã liên kết với Công ty CP Socola Marou, Công ty CP Vua Thực Phẩm (TP.Hồ Chí Minh); Binon Ca cao và các DN khác để thu mua hạt ca cao lên men nên nông dân yên tâm đầu ra cho sản phẩm.

Để phát triển vùng nguyên liệu, huyện Châu Đức hỗ trợ kinh phí 2,7 tỷ đồng cho 80 hộ nông dân trồng ca cao để đầu tư cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp thực hiện quy trình canh tác cây ca cao theo mô hình VietGAP, xây dựng sản phẩm OCOP nhằm  tăng giá trị nông sản. Cuối tháng 8/2024 vừa qua, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã tổ chức trao 20 ngàn cây ca cao giống cho các thành viên HTX, hội viên nông dân trồng ca cao trên địa bàn huyện. Tổng kinh phí mua cây ca cao giống là trên 260 triệu đồng, do Hội Nông dân huyện vận động các DN hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, mục tiêu đến năm 2025, địa phương sẽ hoàn thiện quy trình trồng ca cao hữu cơ, mở rộng, tăng diện tích trồng ca cao tại huyện Châu Đức lên 650ha, trong đó xây dựng 15ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

“Với lợi thế và tiềm năng phát triển cây ca cao, Châu Đức kỳ vọng sẽ trở thành một trong những vùng nguyên liệu ca cao lớn nhất Việt Nam trong tương lai, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Tấn Bản khẳng định.

Thảo Nguyên