Lần thứ 6 giá thức ăn chăn nuôi tăng trong năm 2022

30/06/2022 - 12:07 | Giá cả, thông tin thị trường

Theo thông tin từ một số trang trại chăn nuôi và đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi, bắt đầu từ 01/7/2022, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục được điều chỉnh tăng từ 240 đến 400 đồng/kg. Chỉ tính riêng trong năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi đã được điều chỉnh tăng 6 lần và lần tăng gần nhất bắt đầu từ 25/5/2022.

            Lý do tăng giá đợt này, theo thông báo của các Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi là giá nguyên liệu đầu vào có nhiều biến động trong thời gian qua, có thể do khủng hoảng tại Đông Âu đã tác động tiêu cực đến ngành thức ăn chăn nuôi do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, lúa mì đều tăng mạnh. Nga và Ukraina hiện là 2 quốc gia đứng trong top 3 của thế giới về xuất khẩu lúa mì, chiếm 1/3 tổng kim ngạch thương mại mặt hàng này. Bên cạnh đó, Ukraina lại là nước xuất khẩu bắp lớn thứ 2, chiếm 22% kim ngạch toàn thế giới.

            Cụ thể, thức ăn chăn nuôi dành cho heo con, giá tăng 400 đồng/kg và các loại thức ăn còn lại của Công ty TNHH CJ Agri Vina. Tương tự, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz, sẽ tăng giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho heo con và thức ăn đậm đặc với mức tăng 400 đồng/kg. Đối với các loại thức ăn còn lại cho heo, bò, gà thịt, vịt thịt và gà, vịt đẻ, giá tăng 300 đồng/kg.

Theo bà Phạm Thị Hà, nông dân chăn nuôi bò sữa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Châu Pha (thị xã Phú Mỹ) cho biết “Hiện nay giá thành sản xuất 1 kg sữa dao động từ 15.000 đến 17.000 đ, với giá bán sữa tươi như hiện nay thì lợi nhuận từ hoạt động chăn nuôi của gia đình là chưa cao. Với giá thức ăn dành cho bò sữa cũng được điều chỉnh tăng đợt này, tôi không bỏ cuộc mà tiếp tục chăn nuôi bò sữa, vì bằng kinh nghiệm thực tế chăn nuôi gần 20 năm, gia đình đã làm chủ được kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh trên bò sữa”. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện bà Hà đang nuôi 14 con bò và chăn nuôi bò sữa theo hình thức chăn thả, bà Hà tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương như cám gạo, bắp say nhuyễn và trộn thêm vào thức ăn công nghiệp giúp giảm giá thành. Bên cạnh đó, bà tận dụng phụ phế phẩm, chất thải từ quá trình nuôi bò, sau khi xử lý để trồng rau và chăn nuôi thêm gà Đông Tảo.

Trước áp lực liên tục điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi, một số cử tri tại Tp. Bà Rịa đã phản ảnh trước kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII sắp diễn ra, đề nghị ban ngành các cấp xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, chia sẻ một phần khó khăn trong hoạt động chăn nuôi. Do thức ăn chăn nuôi chiếm từ 60 - 70% giá thành trong sản xuất, nên việc điều chỉnh tăng giá sẽ làm cho người chăn nuôi không có lãi. Tuy nhiên, các loại sản phẩm chăn nuôi như heo, gà thịt và trứng gia cầm các loại đang tiêu thụ tốt với giá cả hiện tại như heo thịt dao động từ 55.000 - 58.000 đ/kg, gà trắng  35.000 - 37.000 đ/kg, gà thả vườn 63.000 - 65.000 đ/kg, vịt thịt 56.000 - 59.000 đ/kg và trứng gia cầm từ 2.250 đ/quả. Với mức giá như hiện nay thì hoạt động chăn nuôi tại các cơ sở, trang trại vẫn đạt lợi nhuận nhưng ở mức không cao.

            Trong thời gian qua, các ban, ngành tại địa phương đã triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp để hỗ trợ cho người chăn nuôi trong tỉnh như chính sách tiêm phòng miễn phí các loại vắc xin phòng bệnh cho động vật; hỗ trợ thuốc sát trùng tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho người chăn nuôi trong tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động vật và các giải pháp giảm chi phí trong chăn nuôi.

            Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện các các giải pháp giảm chi phí đầu vào, nhất là chi phí dành cho thức ăn chăn nuôi. Một trong những giải pháp đó là sử dụng các loại nguyên liệu sẵn có tại địa phương tổ chức phối trộn thức ăn. Bên cạnh đó cần thực hiện các biện pháp về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi góp phần bảo vệ đàn vật nuôi, tăng năng suất và rút ngắn thời gian chăn nuôi. Đồng thời, người chăn nuôi trong tỉnh cần liên kết tổ chức sản xuất giảm chi phí các khâu trung gian và có thể tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo tinh thần của Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND đã được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành ngày 13/12/2020./.

            Thịnh Đức Minh