Lạm phát và tỷ giá: Gây áp lực lên xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm
31/10/2022 - 13:37 | Giá cả, thông tin thị trường
Chiến dịch quân sự giữa Nga – Ukraine tiếp tục leo thang
kéo dài chưa có dấu hiệu kết thúc khiến nguồn cung năng lượng về
khí đốt ở châu Âu và các khu vực khác thiếu hụt nghiêm trọng đã
khiến giá cả khí đốt tăng đột biến tạo nên làn sóng “lạm phát” mạnh mẽ
cũng như gây đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Lạm phát hiện nay
được xem là “lạm phát chi phí đẩy” bởi xăng, dầu là chi phí đầu vào
quan trọng hàng đầu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí giá
thành sản xuất của các sản phẩm hàng hóa. Chính vì vậy một sự
điều chỉnh nhỏ của giá xăng, dầu trong một thời gian ngắn sẽ tác
động rất lớn đến toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị và ảnh hưởng
đến giá thành sản xuất và tạo ra một cú sốc lớn cho nền kinh tế.
Trước tình hình lạm phát gia tăng, một số nước đã dùng chính sách
tiền tệ để kiềm chế lạm phát, trong đó, một trong những công cụ
được các nước sử dụng hiện nay là tăng lãi suất làm cho giá trị
nội tệ tăng lên, điều đó sẽ kéo theo sự thay đổi về “tỷ giá”.
Có thể nói cụm từ
“lạm phát” và “tỷ giá” đang là hai chủ đề nóng và được quan tâm
nhất trên toàn cầu hiện nay, không chỉ các nhà hoạch định chính
sách, các nhà điều hành kinh tế vĩ mô của các nước mà còn nhận
được sự quan tâm đặc biệt từ những doanh nghiệp, doanh nhân cũng như
người dân. Bởi vấn đề “lạm phát” và “tỷ giá” trong thời gian qua đã
ảnh hưởng không nhỏ tới chính đời sống, kinh tế của người dân trên
thế giới, dự báo trong ngắn hạn vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng đến
kinh tế toàn cầu.
Tác động hai chiều của “Lạm phát” và “tỷ giá”
Dù ảnh hưởng lớn hay
nhỏ, kinh tế Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy bất ổn hiện nay.
Trong đó, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của Việt Nam nói chung và
doanh nghiệp chế biến xuất, nhập khẩu thủy sản nói riêng đã cảm nhận
rõ tác động đến tình hình kinh doanh hiện nay. Biến động của “lạm
phát” và “tỷ giá” sẽ tác động theo hai chiều hướng trái ngược nhau
đối với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu thủy sản.
Theo chiều xuất khẩu,
nếu lạm phát gia tăng người tiêu dùng các nước thắt chặt chi tiêu thì
ảnh hưởng đến khả năng tiêu thị sản phẩm, do đó, các doanh nghiệp
xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ bị giảm đơn hàng, tồn kho nhiều. Tuy
nhiên, khi lạm phát tăng cao các nước sử dụng chính sách tiền tệ
bằng cách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát khiến tỷ giá giữa
đồng ngoại tệ (USD) so với (VNĐ) tăng dẫn đến giá các sản phẩm xuất
khẩu của Việt Nam rẻ hơn, thúc đẩy xuất khẩu vì khi đó giá trị
xuất khẩu sẽ quy đổi ra tiền VND cao hơn.
Theo chiều ngược lại,
chiều nhập khẩu các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục
vụ gia công chế biến, khi lạm phát tăng cao, các nước tăng lãi suất
khiến tỷ giá giữa đồng ngoại tệ (USD) so với (VNĐ) sẽ tăng điều này
sẽ tác động bất lợi đối với các doanh nghiệp vì phải mua nguyên
liệu với giá cao hơn, làm tăng chi phí sản xuất.
Đối với xuất khẩu
thủy sản của Việt Nam, hiện nay chủ yếu nguồn nguyên liệu trong nước,
tuy nhiên, một số doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu về chế biến xuất
khẩu. Chính vì vậy khi lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt
chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, chiều
ngược lại “tỷ giá” đồng USD so với VNĐ tăng sẽ tác động có lợi cho
xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Đối với các doanh
nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ chế biến sẽ tác động
bất lợi khi tỷ giá tăng cao.
Lạm phát và đồng USD
tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản tại các thị trường, nhất
là những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh… Tình hình lạm phát dường
như đã bắt đầu ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Người tiêu dùng
châu Âu sẽ phải chi trả nhiều hơn cho mỗi món hàng được lựa chọn, xu hướng cắt
giảm tiêu dùng là điều tất yếu xảy ra.
Minh chứng cho điều
này, sau khi tăng trưởng kỷ lục 40% trong nửa đầu năm, từ tháng 7/2022 xuất khẩu
thủy sản của Việt Nam có phần chững lại. Nguyên nhân là do những khó khăn về
nguồn nguyên liệu cùng với tình hình lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ sụt
giảm, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh… Lạm phát cao ở
các nước lớn thúc đẩy tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các
sản phẩm giá rẻ. Mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam luôn giữ được giá tốt,
nên xuất khẩu trong thời gian qua khá thuận lợi.
Trong “nguy” có “cơ”
Nhìn từ góc độ tích
cực, do cá minh thái Alaska của Nga sang Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách
sản phẩm bị cấm xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Giá cá ngừ tại thị trường châu Âu
cũng tăng vọt do giá xăng dầu tăng mạnh đã làm tăng chi phí hoạt động của tàu
khai thác và vận chuyển cá ngừ. Giá tôm, cá hồi đang tiếp tục tăng kể từ đầu
năm 2022 nhờ thị trường phục hồi trong khi nguồn cung hạn hẹp. Nếu các doanh
nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, thì đây cũng là cơ
hội để các doanh nghiệp xuất khẩu tăng thị phần và giá trị xuất
khẩu.
Đặc biệt là đối với
sản phẩm cá tra đây là cơ hội lớn để tăng thị phần và thu về giá
trị cao hơn, nếu trước đây, giá cá tra bình quân xuất khẩu đi châu Âu chỉ đạt
2,7 USD/kg, thì trong 6 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu sang khu vực này đạt
bình quân 3,45 USD/kg. Giá cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ còn tăng mạnh hơn, đã
lên tới mức 4,5 USD/kg, cao nhất từ trước tới nay, trong khi trước đây cá tra
xuất khẩu vào Mỹ thường chỉ đạt từ 2,9-3,1 USD/kg.
Tuy nhiên, đối với mặt hàng
thực phẩm như nông sản, thủy sản nói chung, dù muốn cắt giảm cũng sẽ rất khó
vì đây là mặt hàng thiết yếu. Chính vì vậy, các sản phẩm thủy sản vào thị
trường châu Âu vẫn có rất nhiều cơ hội tiêu thụ từ nay cho đến cuối năm 2022.
Cùng với khó khăn về
nguyên liệu, tỷ giá, lạm phát sẽ khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam nửa
cuối năm không thể duy trì được tăng trưởng cao như nửa đầu năm. Tuy nhiên, các
doanh nghiệp vẫn lạc quan vào con số xuất khẩu thủy sản trên 10 tỷ USD cho
năm 2022.
Thúy Nga (nguồn
TCTS)