Làm giàu từ trồng sâm đất, trồng huệ ở Côn Đảo

09/08/2024 - 08:51 | Mô hình hay, cách làm hay

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều nông dân ở huyện Côn Đảo đã khai thác tiềm năng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân và du khách.

Trong chuyến công tác Côn Đảo cuối tháng 7/2024, chúng tôi có dịp đến thăm nông trại sản xuất theo hướng vườn ao chuồng (VAC) của ông Triệu Chí Tâm, Chi hội trưởng nông dân khu dân cư số 1.

Gia đình ông Tâm có gần 1ha trồng dừa xiêm, dứa, tre tứ quý lấy măng, hoa huệ trắng; nuôi cá nước ngọt; gà, vịt… Được Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh hỗ trợ giống, phân bón, từ năm 2020, ông Tâm đã mở rộng diện tích trồng hoa huệ từ 500m2 lên hơn 2.000m2.


Ông Triệu Chi Tâm giới thiệu với ông Nguyễn Xuân Định (thứ 2, bên phải), Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về mô hình trồng xen dừa xiêm bên các ao nuôi cá của gia đình.


Ông Tâm chia sẻ, trồng huệ thu hoạch quanh năm, hoa thu hoạch đến đâu được thương lái đặt mua đến đó. Cứ 3 ngày ông cắt từ 300-400 bông huệ trắng. Hiện nay, giá thương lái mua với giá 5.000 đồng/bông, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông Tâm thu lãi khoảng 200 triệu đồng, chưa tính đến thu nhập từ chăn nuôi và các loại cây trồng khác.

Không chỉ biết làm giàu, ông Tâm còn tích cực hỗ trợ hội viên cây, con giống để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhiều năm liền, ông Triệu Chí Tâm được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Còn tại khu dân cư số 2, với diện tích hơn 3.000m2, ông Trần Văn Tiến có thu nhập ổn định từ mô hình trồng sâm đất.

Chỉ tay vào vài luống sâm đất vừa nhổ, ông Tiến vui vẻ nói, cách đây mấy ngày, gia đình thu hoạch hơn 20kg bán cho một du khách ở Đồng Nai. Giống cây này được xem là đặc sản có giá trị quý hiếm và được rất nhiều khách du lịch tìm mua với giá từ 1-1,5 triệu đồng/kg. Mỗi tháng gia đình ông Tiến có thu nhập đều đặn hơn 20 triệu đồng từ bán sâm đất.


Ông Trần Văn Tiến, khu dân cư số 2 (huyện Côn Đảo) cho biết, sâm đất trồng 1 năm là có thể thu hoạch.


Hiện Côn Đảo có 10 hộ trồng sâm đất. Theo những người trồng sâm ở Côn Đảo, sâm đất có sức sống mãnh liệt với đủ loại địa hình, nơi nào thổ nhưỡng phù hợp, màu mỡ thì cho củ lớn. Tuy vậy, cây này lại không ưa nhiều nước, dễ bị úng rễ nếu đất không thoát nước kịp.

Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện Côn Đảo, trồng huệ trắng, trồng sâm đất, trồng rau sạch… là những mô hình điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân huyện đảo. Riêng với củ sâm đất có thể chế biến thành các sản phẩm như rượu sâm, sâm sấy khô, sâm tươi đóng hộp, trà sâm… nâng cao giá trị nông sản.

“Hiện nay, Hội Nông dân huyện cũng đang tập trung tuyên truyền, định hướng và huy động các nguồn lực để hỗ trợ hội viên phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường”, bà Nguyễn Thị Thu Trinh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Côn Đảo cho hay.

Thúy Nga