Kiểm soát bệnh Dại ở đàn chó, mèo và không để xảy ra trường hợp người bị tử vong do bệnh Dại.

28/02/2022 - 09:25 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Đó là mục tiêu tổng thể của kế hoạch thực hiện phòng, chống bệnh Dại động vật năm 2022 vừa được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định 397/QĐ-UBND ngày 11/02/2022, qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.

70% số hộ nuôi chó mèo và số chó, mèo nuôi phải được quản lý; 75% tổng đàn chó, mèo nuôi phải được tiêm phòng; 70% huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh phải thực hiện giám sát dịch bệnh Dại trên đàn chó, mèo; tiếp tục duy trì vùng an toàn dịch bệnh Dại cấp huyện tại huyện Côn Đảo, thành phố Vũng Tàu, cơ sở an toàn dịch bệnh Dại cấp xã tại xã Bưng Riềng (Xuyên Mộc) và tiến tới xây dựng thành công thêm 1 vùng và 2 cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại tại thị xã Phú Mỹ và thị trấn Ngãi Giao (Châu Đức), thị trấn Phước Bửu (Xuyên Mộc). Đó là 4 mục tiêu cụ thể phải tiến hành thực hiện trong năm 2022.

Để đạt được các mục tiêu của kế hoạch phòng, chống bệnh Dại động vật, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm điều hành chung các hoạt động hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp kỹ thuật, gồm:

+Công tác quản lý đàn chó, mèo:

Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện đăng ký, khai báo nuôi; cam kết nuôi nhốt, giữ trong khuôn viên của gia đình; khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, đeo rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng chó; nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định.

Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh Dại động vật và bắt chó, mèo thả rông và động vật nghi mắc bệnh Dại trên địa bàn quản lý; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách hộ nuôi chó, mèo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo thả rông, không tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo.

+Công tác tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo:

Tổ chức chiến dịch tiêm phòng vắc xin Dại cho toàn bộ đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh vào đợt chính (tháng 3 - 4 năm 2022). Hàng tháng phải tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn mới phát sinh hoặc chó, mèo đã hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ. Phí tiêm phòng do người chủ nuôi chi trả là 20.000 đồng/liều/con.

+ Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh Dại:

Tổ chức 06 lớp tập huấn tuyên truyền các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh Dại cho chủ hộ nuôi, trưởng khu phố, thôn ấp, thú y viên phường xã. Triển khai lắp đặt 32 pano tuyên truyền phòng, chống bệnh Dại cho các trường Tiểu học trên địa bàn thị xã Phú Mỹ. Xây dựng 02 đoạn ghi hình (phóng sự video clip) và phát 8.000 tờ rơi tuyên truyền về trách nhiệm của người nuôi chó, quản lý chó nuôi và những kiến thức về phòng chống bệnh Dại.

+ Công tác điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại

Chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin chính xác cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y, y tế gần nhất khi phát hiện động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do Dại; cách ly theo dõi động vật có dấu hiệu nghi mắc bệnh Dại theo quy định; nghiêm cấm mua bán, giết mổ, sử dụng sản phẩm động vật nghi mắc bệnh Dại; không vứt xác động vật ra môi trường; Chi cục Chăn nuôi và Thú y có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xử lý ổ dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định; lập chốt kiểm soát tạm thời trên các trục đường giao thông chính ra vào vùng dịch, vùng khống chế nhằm ngăn chặn không đưa chó, mèo ra ngoài vùng dịch; phối hợp, điều tra xác định hộ nuôi có chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh Dại.

+ Công tác giám sát bệnh Dại trên động vật, bao gồm:

Giám sát lâm sàng (giám sát bị động): Chủ nuôi thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện chó, mèo có biểu hiện nghi mắc bệnh Dại phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y và y tế nơi gần nhất và thực hiện các biện pháp ứng phó theo quy định. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện (thành phố, thị xã) có trách nhiệm tổ chức kiểm tra ngay khi nhận được thông tin; tổ chức điều tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm; hướng dẫn kỹ thuật xử lý ổ dịch bệnh Dại. UBND cấp xã tổ chức xử lý ổ dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dại; tổ chức các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định.

Giám sát lưu hành vi rút và giám sát sau tiêm phòng (giám sát chủ động): Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút Dại ở động vật và lấy mẫu huyết thanh để kiểm tra kháng thể bảo hộ bệnh Dại sau tiêm phòng đối với đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

+Công tác xây dựng và duy trì cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh

Tiếp tục duy trì 02 vùng an toàn dịch bệnh Dại cấp huyện (huyện Côn Đảo, thành phố Vũng Tàu), 01 cơ sở an toàn dịch bệnh Dại cấp xã (Bưng Riềng, Xuyên Mộc) đã được công nhận và tiến hành xây dựng 01 vùng an toàn dịch bệnh Dại tại cấp huyện tại thị xã Phú Mỹ và 02 cơ sở an toàn dịch bệnh Dại cấp xã (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc và thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức).

+Công tác kiểm soát vận chuyển chó, mèo

Tổ chức kiểm soát vận chuyển chó, mèo theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y và Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; tổ chức lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút Dại đối với chó, mèo được vận chuyển./.

OAHVM