Không được viết tắt nơi sản xuất hàng hóa
09/02/2022 - 15:25 | An toàn thực phẩm
Nghị định mới sửa đổi, bổ sung nội
dung về xuất xứ hàng hóa, trong đó tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập
khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình. Việc này phải bảo đảm trung
thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật tại Việt Nam hoặc các cam kết
quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể
hiện bằng một trong các cụm từ như "sản xuất tại", "chế tạo
tại", "nước sản xuất", "xuất xứ", "sản xuất
bởi", "sản phẩm của" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra
hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa không xác định
được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng
để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ
thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như "lắp ráp tại", "đóng
chai tại", "phối trộn tại", "hoàn tất tại", "đóng
gói tại", "dán nhãn tại", kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi
thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất
ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không
được viết tắt.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung
Khoản 3 Điều 12 - Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng
hóa. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ
của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập
khẩu trên nhãn hàng hóa.
Hàng hóa là trang thiết bị y tế được
sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam, ghi tên, địa chỉ
của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành.
Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ
sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép
nhập khẩu.
Ngôn ngữ sử dụng trình bày nhãn hàng
bắt buộc phải thể hiện bằng tiếng Việt đối với nhãn hàng hóa lưu thông tại thị
trường Việt Nam, trừ hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước.
Trước
đó, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa đã được ban hành
vào tháng 4/2017. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và
ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác,
tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà
Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như
sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ”
hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.
Tên nước hoặc vùng
lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt.
Nguyễn Bình