Khoa học công nghệ đóng góp trên 35% vào thành công của nông nghiệp Việt Nam

24/10/2024 - 08:23 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Sáng 21/10, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với CSIRO (Úc) tổ chức hội thảo về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ nghiên cứu “Tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp: Đề xuất các giải pháp và chính sách phù hợp với bối cảnh phát triển nông nghiệp Việt Nam” với sự tài trợ từ Chương trình Aus4Innovation của Đại sứ quán Úc.

Chia sẻ về dự án nghiên cứu, TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, nghiên cứu được triển khai trong giai đoạn 2023 – 2025 với mục tiêu nâng cao hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp nhằm giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường mà ngành nông nghiệp đang và sẽ phải đối mặt trong tương lai.

Dựa trên những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn của Việt Nam và các quốc gia khác, đặc biệt là Úc, nghiên cứu sẽ đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm tăng cường hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, dự án cũng sẽ đóng góp vào quá trình xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ.

Tại hội thảo, TS Kim Wimbush – Tham tán CSIRO (Đại sứ quán Úc), Giám đốc Chương trình Aus4Innovation nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết các thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt.

Ông cho biết: “Với nền nông nghiệp hiện nay, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo là vấn đề cấp thiết để không chỉ tăng cường năng suất mà còn cải thiện khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường. Chúng tôi hi vọng hệ thống này sẽ giúp nông dân Việt Nam và các nước trên thế giới hưởng lợi từ những cải tiến công nghệ”.

Hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự phát triển vượt bậc của ngành trong thời gian qua. Thống kê cho thấy, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 35% vào sự thành công của nông nghiệp Việt Nam.

Trong giai đoạn 2011 – 2021, GDP ngành nông, lâm, thủy sản đạt mức tăng trưởng trung bình 2,84%/năm. Riêng năm 2023, ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,83% – cao nhất trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2023 ước đạt trên 53 tỷ USD, với mức thặng dư thương mại toàn ngành đạt hơn 11 tỷ USD, chiếm 42,5% tổng giá trị xuất siêu của cả nước.

Những doanh nghiệp lớn như TH, Dabaco, Nafoods, Masan, Ba Huân… đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến giúp nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu, thu hẹp diện tích canh tác, ô nhiễm môi trường và tổn thất sau thu hoạch cao là những vấn đề nổi cộm. Ngoài ra, quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, công nghệ bảo quản và chế biến chưa được tối ưu, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Hơn nữa, thu nhập của nông dân còn bấp bênh khiến cuộc sống của họ chưa thực sự được cải thiện bền vững.

Chia sẻ về cách thức mà Úc đã áp dụng thành công hệ thống đổi mới sáng tạo, GS Andy Hall từ CSIRO nhấn mạnh: “Điểm mấu chốt của đổi mới sáng tạo nằm ở sự phản hồi liên tục từ thực tiễn để đánh giá hiệu quả của các sáng kiến. Tại Úc, chúng tôi không quản lý chặt chẽ về khoa học công nghệ nhưng luôn đề cao giá trị của đổi mới sáng tạo, đặc biệt chú trọng đến tính bền vững”.

Ông Hall cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả của đổi mới sáng tạo, cần định hướng cho cả hệ thống đổi mới sáng tạo, có hướng đi rõ ràng qua việc cùng thảo luận, xác định hướng phát triển để có sự đồng thuận, thống nhất về cách làm, lợi ích các bên.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đề xuất cần xây dựng một tổ chức trung gian linh hoạt để kết nối các bên tham gia trong hệ thống đổi mới sáng tạo. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của khuyến nông cộng đồng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời đề xuất xây dựng một đề án đổi mới sáng tạo riêng cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại biểu đều đánh giá cao mục tiêu của dự án và kỳ vọng các kết quả nghiên cứu sắp tới của dự án xác định rõ những điểm đang hoạt động tốt trong hệ thống đổi mới nông nghiệp hiện tại và chỉ ra những khoảng trống và điểm nghẽn của hệ thống để đề xuất các định hướng và giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống đổi mới sáng tạo nông nghiệp Việt Nam nhằm đáp ứng với bối cảnh mới trong tương lai. Do đó, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp không chỉ là yêu cầu của hiện tại mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai. Việt Nam với những bài học từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt từ Úc cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Chỉ có như vậy, nông dân mới thực sự được hưởng lợi từ những tiến bộ mới, cải thiện đời sống và nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thảo Nguyên (Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam)