Kết quả thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

04/12/2024 - 08:44 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. UBND tỉnh đã tham mưu xây dựng và trình Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tính đến nay, việc thực hiện Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan.

Trên địa bàn tỉnh đã có tổng cộng 27 dự án, mô hình liên kết được phê duyệt với các nội dung: Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, xây dựng mô hình liên kết điểm, hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã cho các bên tham gia liên kết, hỗ trợ chi phí áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Cụ thể cấp tỉnh 09 ( trong đó, 01 dự án Dự án liên kết của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Cacao Thành Đạt, huyện Châu Đức đã xin UBND tỉnh dừng thực hiện do chủ trì liên kết không đảm bảo sức khoẻ và không thực hiện các hạng mục đối ứng)cấp huyện là 18 phân bố đều tại các huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể: thành phố Bà Rịa: 02; huyện Long Điền: 02; huyện Xuyên Mộc: 04; huyện Đất Đỏ: 03; huyện Châu Đức: 03; thị xã Phú Mỹ: 04.

Tổ chức 18 chuyến khảo sát thực tế tại các huyện, thị xã, thành phố. Đánh giá các tiêu chí và điều kiện tham gia của các chủ thể, làm cơ sở đề xuất, xây dựng các mô hình, dự án liên kết cấp tỉnh; Thành lập và kiện toàn “Tổ xét chọn mô hình liên kết điểm và dự án, kế hoạch liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cấp tỉnh” nhằm xem xét, đánh giá các chuỗi liên kết và chọn ra chuỗi đáp ứng các quy định để đề nghị xây dựng hồ sơ gửi về Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh.

Đã tổ chức 29 hội nghị, tập huấn với 1.818 đại biểu tham dự. In ấn 6.600 cuốn Sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn chính sách liên kết và cấp phát cho các Sở, ngành, UBND cấp huyện làm tài liệu truyên truyền. Ngoài ra, thực hiện thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên Đài truyền hình, Đài Phát thanh Bà Rịa – Vũng Tàu, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu online, Cổng thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,...; Niêm yết công khai Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND tại trụ sở UBND cấp huyện, xã để mọi người dân đều nắm được và chủ động thực hiện. Riêng Hội nông dân tổ chức 870 buổi tuyên truyền với 64.850 lượt hội viên tham dự.

Tổ chức 03 chuyến học tập kinh nghiệm mô hình liên kết với 89 người tham dự: tại tỉnh Sơn La từ ngày 24/8/2022 - 27/8/2022; tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình từ ngày 13/9/2023 - 16/9/2023; Thành phố Hà Nội từ ngày 21/12/2023 - 25/12/2023. Đối tượng tham dự: cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện, nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh là phù hợp xu thế phát triển nông nghiệp tại địa phương, đáp ứng nhu cầu của đa số các hợp tác xã, nông hộ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn. Các mô hình, dự án, kế hoạch thực hiện liên kết theo hợp đồng đã ký kết, hợp tác xã, doanh nghiệp chủ trì liên kết bao tiêu ổn định đầu ra cho 5 các hộ dân tham gia liên kết. Nhờ áp dụng máy móc thiết bị được hỗ trợ vào sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điển hình:

- Dự án liên kết tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ Bưởi da xanh của Hợp tác xã Bưởi da xanh Hắc Dịch, Thị xã Phú Mỹ: Hợp tác xã liên kết 38 ha trồng bưởi của 40 hộ dân (trong đó có 39 hộ trực tiếp sản xuất và 01 hộ hoạt động dịch vụ), năng suất bưởi da xanh đạt khoảng 30 tấn/ha trong 1 năm, giá bán khoảng từ 18.000 đến 23.000 đồng/kg. Hiện tại 100% diện tích HTX đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra quả bưởi da xanh sạch, chất lượng cao, nâng cao hiệu quả sản xuất giúp nâng cao thu nhập cho người dân cũng như giúp họ mạnh dạn chuyển đổi và đầu tư. HTX đang thực hiện liên kết với Cửa Hàng Vật Tư Nông Nghiệp Quang Linh cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho thành viên với giá cả ổn định để người dân an tâm sản xuất. Trong năm vừa qua, HTX tiếp nhận hỗ trợ 18,8 tấn phân bón và đã phân bổ cho các thành viên trong HTX tham gia liên kết. Ngoài ra, được hỗ trợ 01 Dây chuyền rửa Bưởi, 20 Bộ dụng cụ căng siết và đóng dây đai hàn nhiệt; Vật tư khung thép xây dựng xây dựng 300 m2 nhà xưởng, nhà sơ chế, đây là tiền đề và cơ sở cho HTX phát triển sản phẩm bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP cũng như độ đẹp và sạch của quả bưởi đã nâng cao giá trị sản phẩm cũng như giảm được chi phí công lao động trong quá trình sơ chế bưởi. Với những hạng mục hỗ trợ đã giúp HTX tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận khoảng 1,5 lần (tăng 35-45 triệu/ha/năm) so với trước khi thực hiện dự án liên kết.

- Kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ca cao của Hợp tác xã Ca cao Châu Đức: Đến nay, theo đánh giá của Hợp tác xã Ca cao Châu Đức, năng suất và sản lượng ca cao niên vụ 2023 - 2024 đạt cao hơn khoảng 1,11 lần so với khi chưa triển khai dự án. Đồng thời do được đầu tư chăm sóc bài bản và thực hiện tốt theo quy trình sản xuất nên phẩm cấp chất lượng ca cao tăng lên đang kể, cụ thể tỷ lệ sản phẩm trái ca cao đạt tiêu chuẩn loại 1 đạt 60% (trước khi triển khai dự án là 40%). Giá ca cao năm 2023 không tăng so với năm trước, tuy nhiên tỷ lệ sản phẩm loại 1 đạt cao nên đã kéo giá bán bình quân tăng lên khoảng 300 đồng/kg so với năm trước. Đầu tư nhiều hơn đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng lên, cụ thể là chi phí sản xuất tăng 1,29 lần (tăng chi phí phân bón); tuy nhiên năng suất, sản lượng, giá bán bình quân tăng lên nên doanh thu và lợi nhuận của các nông hộ cũng tăng lên; cụ thể doanh thu tăng 1,17 lần, thu nhập bình quân tăng 1,12 lần.

- Dự án liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng của Hợp tác xã Sầu Riêng 9 Bê, huyện Châu Đức: Thực hiện liên kết với 30 hộ nông dân, diện tích cacao 36,5 ha. Đối với việc được hỗ trợ hệ thống phun thuốc tự động đã mang lại hiệu quả tức thì. Cụ thể, theo báo cáo của Hợp tác xã, mỗi năm việc phun thuốc cho sầu riêng phải thực hiện 6 khoảng 30 đợt/năm; nếu phun thuốc bằng biện pháp thủ công, trung bình 01ha Sầu riêng phải mất khoảng 03 giờ đồng hồ, tuy nhiên khi sử dụng hệ thống phun thuốc tự động, mỗi lần phun thuốc chỉ mất khoảng 30 phút/ha (bao gồm cả thời gian làm các bước chuẩn bị). Ngoài việc tiết kiệm thời gian, nhân công còn tiết kiệm điện nước và hiệu quả sử dụng thuốc cao hơn hẳn so với phun thuốc thủ công do việc phun được đồng loạt các cây trong khu vườn nên đối tượng dịch hại không có chỗ để di chuyển trốn tránh sang cây khác.

Các mô hình, dự án, kế hoạch liên kết đã triển khai thực hiện bước đầu cho thấy tính hiệu quả tích cực, cụ thể: năng suất cây trồng trong chuỗi liên kết tăng cao 8 hơn, tạo ra được các sản phẩm có giá trị cao như: socola, bột ca cao, cà phê, thuỷ sản,… và đã được xuất khẩu sang các quốc gia như: Mỹ, Hà Lan, Singapore, Nhật Bản, Pháp. Tuy nhiên việc thực hiện chính sách tại địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, cụ thể như:

- Các địa phương chưa chủ động trong việc cân đối ngân sách huyện triển khai thực hiện hỗ trợ các dự án, kế hoạch liên kết. Hiện chỉ có UBND huyện Châu Đức dùng ngân sách huyện thực hiện hỗ trợ đối với 01 dự án liên kết cấp huyện.

- Việc tìm kiếm lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã đáp ứng đủ điều kiện năng lực để đứng ra đảm nhận vai trò chủ trì liên kết gặp nhiều khó khăn, hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, quy mô sản xuất và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hầu như chưa có thị trường ổn định.

- Các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ dân còn gặp vướng mắc về thủ tục đất đai khi có nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết: nhà xưởng, bến bãi, sân phơi,... trên đất nông nghiệp.

Lài Nguyễn – Chi cục PTNT