Kết quả thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn

20/03/2025 - 10:36 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.407 hộ/cơ sở tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn và được chia thành các nhóm hoạt động sau: (i). Chế biến, bảo quản nông thủy sản; (ii). Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; (iii). Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thuê ren, đan lát, cơ khí nhỏ; (iv). Xử lý chế biến nguyên vật liệu; (v). Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; (vi). Sản xuất muối; (vii) Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn góp phần giải quyết việc làm cho hơn 11 ngàn lao động nông thôn. Thu nhập của người lao động từ 6 đến 10 triệu đồng/người/tháng (tùy vào hoạt động sản xuất ngành nghề). Các tổ chức sản xuất ngành nghề nông thôn hiện nay bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình. Tuy nhiên, hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn là hộ gia đình, quy mô nhỏ; chưa liên kết với các doanh nghiệp đầu tư trong việc cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Hình ảnh: Nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi

Bên cạnh đó, tỉnh có 01 làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi huyện Long Điền (nay là xã Tam An huyện Long Đất); tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh lả 160 hộ với tổng là 172 lao động. Ngoài ra, tính đến ngày 31/12/2024 đã khôi phục, bảo tồn 06 nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gồm: (1) Nghề truyền thống bún Long Kiên, phường Phước Nguyên, thành phố Bà Rịa; (2) Nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền; (3) Nghề truyền thống rượu Hoà Long, thành phố Bà Rịa; (4) Nghề truyền thống bánh hỏi An Nhứt, huyện Long Điền; (5) Nghề truyền thống Sò ốc mỹ nghệ phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu; (6) Nghề truyền thống sản xuất muối huyện Long Điền. Trong đó, đã hỗ trợ nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị cho 76 cơ sở thuộc nhóm nghề chế biến nông lâm thủy sản (nghề nấu rượu; bánh tráng, bánh hỏi, chả cá); nhóm nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (Vỏ sò ốc mỹ nghệ, thành phố Vũng Tàu); sản xuất muối nhằm khôi phục, phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những mặt đạt được, việc phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn cũng còn tồn tại những khó khăn nhất định. Cụ thể:

- Có nhiều sản phẩm ngành nghề nông thôn chưa xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, chất lượng sản phẩm chưa cao. Vì vậy, rất ít các sản phẩm ngành nghề nông thôn được đưa trực tiếp vào các siêu thị.

- Các cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cả chiều rộng lẫn chiều sâu, tính liên doanh, liên kết giữa các cơ sở trong cùng ngành nghề còn thấp, hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún còn phổ biến.

- Các ngành nghề hiện nay chưa tạo ra được sản phẩm độc đáo, chuyên biệt, mang tính “độc quyền” để đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ việc gia tăng hàm lượng sáng tạo của sản phẩm như: Bánh tráng, Bún, nấu rượu....

- Một số ngành nghề, nghề truyền thống đang dần mai một, lao động chủ yếu là người lớn tuổi và lao động nhàn rỗi. Tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp. Các làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu là lao động thủ công. Một số hộ dân do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên việc đối ứng còn hạn chế, chưa đảm bảo theo đúng tỷ lệ dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

   Trước tình hình đó, việc đặt ra một số giải pháp nhằm khôi phục bảo tồn, phát triển các nghề, nghề truyền thống là hết sức cần thiết và cấp bách.

- Khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền: tiến hành điều tra, thống kê; xây dựng mô hình để duy trì các hộ hoạt động nhằm lưu giữ, truyền nghề.

- Xây dựng, triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; trong đó hỗ trợ máy móc, thiết bị nhằm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với kinh nghiệm, kỹ thuật truyền thống nhằm đa dạng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản địa phương; bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo định hướng đa dạng hóa các loại hình du lịch, chú trọng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

- Hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể lập hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

Lài Nguyễn - NNMT