Kết quả đạt được Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2022 và phương hướng năm 2023

13/02/2023 - 08:51 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh

Triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2022-2025, tỉnh đã xây dựng Kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; Kêu gọi đầu tư, phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở vùng nuôi trồng tập trung hiện có trên địa bàn tỉnh, khuyến khích đầu tư đối với các sản phẩm chủ lực. Vận động các tổ chức đầu mối liên kết đăng ký chứng nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi đạt đủ các tiêu chí quy định.

Trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3032/QĐ-UBND ngày 30/9/2022 về việc công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tại xã Hòa Hội, Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc; và Quyết định số 3243/QĐ-UBND ngày 19/10/2022 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc phê duyệt dự án phân khu chức năng sản xuất vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Châu Đức. Theo đó, tại huyện Châu Đức với quy mô là 710,94 ha với 02 phân khu công nghệ cao được xác định, cụ thể:

- Khu vực I (XÃ Xuân Sơn): thuộc thôn Sơn Hào, Sơn Thuận, Xuân Tân, xã Xuân Sơn với tổng diện tích là 327,72 ha.

- Khu vực II (xã Quảng Thành): thuộc ấp Tân Thành, xã Quảng Thành với tổng diện tích là 383,22 ha.

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao giúp các cơ sở chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, kiểm soát được dịch hại, vật tư nông nghiệp đầu vào, chất lượng sản phẩm đạt một số tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP,… đồng thời sản xuất có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Do đó giá trị sản xuất được nâng lên rất nhiều so với sản xuất thông thường. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 28,48% (năm 2021 đạt 26,22%) và tỷ lệ giá trị sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 47,52% (năm 2021 chiếm 43,83%), cụ thể:

- Lĩnh vực trồng trọt có khoảng 434 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (tăng 90 cơ sở so cùng kỳ); quy mô diện tích 5.648,11 ha, diện tích đang sản xuất 5.630,83 ha mang lại sản lượng 51.098,77 tấn/ năm. Trên các sản phẩm như rau các loại (rau ăn lá, dưa lưới,…), cây ăn quả (bưởi, chuối, bơ, nhãn, mít,…), cây công nghiệp (hồ tiêu, ca cao,…) hoa, nấm ăn,... Công nghệ áp dụng: Nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động. Ngoài ra, một số cơ sở có áp dụng công nghệ thủy canh; công nghệ aquaponics; công nghệ theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời... Việc ứng dụng công nghệ cao đã giúp tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng chất lượng sản phẩm do chủ động quản lý dịch hại, điều kiện sản xuất và tối ưu việc cung cấp dinh dưỡng, nước tưới trong suốt quá trình sinh trưởng của cây trồng.

- Lĩnh vực chăn nuôi hiện có 127 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (tổng đàn 114.000 heo thịt, 39.287 heo nái, 2.535.000 gà thịt, 90.000 gà giống, 54.000 vịt giống, chiếm tỷ lệ 41,2% tổng đàn gia cầm và 41,1%/tổng đàn heo). Các công nghệ sử dụng gồm: Trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại. Một số doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao điển hình như: Trang trại chăn nuôi heo Trang Linh, Trang 18 trại chăn nuôi heo Vĩnh Tân 2,… Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt 35,39%, tăng 2,59% so năm 2021.

- Lĩnh vực thủy sản có 19 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 412,2 ha (tăng 11,5 ha so với cùng kỳ). Công nghệ áp dụng sản xuất: công nghệ nuôi tôm sinh học siêu thâm canh, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 03 sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2 , 3-5 vụ/năm,... Một số doanh nghiệp thủy sản ứng dụng công nghệ cao điển hình như: Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Thủy sản Phước Hải, Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Mạnh Cường, HTX nông nghiệp Quyết Thắng, Farm Liên Giang, Farm Thái Hà, Công ty TNHH Thủy sản công nghệ cao Việt Nam,… Tỷ lệ giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt 39,12%, tăng 1,99% so năm 2021. Tỷ lệ giá trị sản phẩm khai thác thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt 48,23%, tăng 3,86% so năm 2021.

Bên cạnh đó, về công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay Tổ thẩm định do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đang hướng dẫn công ty TNHH Trang Linh có trụ sở tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc chỉnh sửa, hoàn thiện, thuyết minh hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp NNUDCNC. Dự kiến trong tháng 02 năm 2023, sẽ trình UBND tỉnh xem xét, công nhận.

Trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Đề án phân khu chức năng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Đức đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời tiếp tục hướng dẫn, tổ chức thẩm định và tham mưu UBND tỉnh đề nghị xem xét, công nhận các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Lài Nguyễn-Chi cục Phát triển nông thôn