Kế hoạch sản xuất muối niên vụ 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
07/12/2021 - 10:16 | Tin tức, sự kiện trong tỉnh
Trong niên vụ muối 2020 – 2021 trong
lĩnh vực sản xuất, chế biến muối đã gặp một số khó khăn vướng mắc
như: Sản lượng muối niên vụ 2020-2021
đạt thấp so với kế hoạch đề ra (đạt 54 %) do ảnh hưởng
của thời tiết, mưa trái mùa, không khí lạnh kéo dài (đầu tháng 1/2021 mới
bắt đầu niên vụ, đến 15/4 đã kết thúc niên vụ). Hiện nay diện tích muối tại một số địa
phương đang dần bị thu hẹp, do các dự án hoặc địa phương đang trong quá trình
công nghiệp hóa, chỉnh trang đô thị, tuy nhiên địa phương chưa cập nhật diện
tích sản xuất muối giảm gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên việc
định hướng, xây dựng kế hoạch sản xuất muối chưa chính xác, chỉ mang tính tương
đối; Thị trường tiêu thụ muối chưa đa dạng, phụ thuộc nhiều vào thương lái, ngành
khai thác thủy sản và chế biến nước mắm; Thu nhập từ nghề làm muối còn thấp, đời sống còn khó khăn dẫn đến vốn đầu tư cho tái
sản xuất ít, đa số diêm dân đều phải vay mượn thương lái và bán với giá muối
thấp hơn giá thị trường nên dù giá muối cao nhưng diêm dân vẫn thua thiệt; Các
hộ làm muối và các cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến muối chưa có tính liên kết,
ký kết hợp đồng nên việc bao tiêu sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn; Nguồn
lao động khó kiếm, do niên vụ muối chỉ kéo dài 4 - 5 tháng, nghề lại nặng nhọc,
giá nhân công thấp nên các hộ làm muối, hợp tác xã khó kiếm nguồn lao động. Đây
sẽ là một thách thức lớn trong thời gian tới nếu không có giải pháp khắc phục,
bên cạnh đó chi phí đầu vào như cải tạo đồng ruộng, thuê mướn nhân công đều
tăng gây khó khăn cho diêm dân.
Nguyên nhân: Thời tiết ngày càng thay đổi tác động mạnh tới nghề làm
muối nên dẫn đến diện tích và sản lượng ngày càng thấp; Việc giá muối nhập khẩu
rẽ hơn so với giá muối trong nước. Nên trong các năm gần đây các công ty chế
biến muối nhập khẩu muối ồ ạt gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành muối; Giá trị
hàng hóa thấp, đóng góp cho ngân sách không nhiều nên vị thế Kinh tế - Chính
trị của ngành muối chưa được các địa phương quan tâm nhiều. Công tác quản lý
nhà nước trong lĩnh vực muối ở các cấp chưa được quan tâm, thiếu tập trung,
nhất là chưa tạo điều kiện về nhân lực, nguồn lực cho phát triển sản xuất muối;
Việc chưa hoàn thiện, đồng bộ cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất, chế biến muối;
các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối chưa thật sự
đủ mạnh, chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển nghề muối; Cơ chế chính sách
phát triển nghề muối còn nhiều thủ tục, vốn vay ưu đãi các Ngân hàng cần phải
có tài sản thế chấp, mà diêm dân không có nên khó tiếp cận.
Nhằm khắc phục những hạn chế, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa
ra kế hoạch sản xuất muối niên vụ 2021 – 2022 như sau:
Về diện tích: Kế hoạch sản xuất muối niên vụ 2021-2022 đạt 580,51
ha, trong đó diện tích muối đất 536,01 ha, muối trải bạt đạt 44,5 ha);
Về sản lượng: Sản lượng muối niên vụ 2021 - 2022 dự kiến là 43.710 tấn (sản lượng muối đất đạt 39.514 tấn,
muối sạch trải bạt đạt 4.196 tấn)
Về năng suất: Năng suất bình quân muối đất dự kiến đạt khoảng 70-75
tấn/ha; Muối trải bạt năng suất đạt khoảng 100 - 120 tấn/ha.
Để đạt được kế hoạch đề ra, Sở Nông nghiệp và
PTNT đã đưa ra một số giải pháp như sau:
Giải pháp
về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông: đẩy nhanh tiến độ triển khai thực
hiện dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghề muối theo Quy hoạch sản xuất,
chế biến và lưu thông muối đã được UBND tỉnh phê duyệt; các địa phương rà soát lại quy hoạch vùng sản
xuất muối, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hành vi chuyển đổi mục
đích đất sản xuất muối sang các loại đất khác không đúng theo quy định của Pháp
luật.
Công tác
khuyến diêm: Chủ động liên hệ với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh và
các đơn vị có liên quan thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết và
biến đổi khí hậu, thông báo rộng rãi đến diêm dân thông qua chương trình nhắn tin SMS nhằm kịp thời chủ động trong
công tác sản xuất muối, có các biện pháp kỹ thuật ứng phó với các sự cố xảy ra.
Tìm kiếm thị trường, tăng cường công tác liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ muối với
diêm dân trong việc tiêu thụ muối; Đề xuất xây dựng các cơ
chế, chính sách để diêm dân tiếp cận được với các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi
trong phát triển nghề muối.
Tiếp cận các công nghệ chế biến muối, các sản phẩm muối được chế biến
chuyên sâu, có giá trị gia tăng của các địa phương trong cả nước để đưa diêm
dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đi thăm quan, học tập các mô hình, công nghệ.
Giải pháp
xúc tiến thương mại: Thường xuyên quảng bá, trương bày sản phẩm muối Bà
Rịa tại các hội chợ triển lãm của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong và ngoài tỉnh;
Tổ chức cho diêm dân, các cơ sở
sản xuất, kinh doanh muối trên địa bàn tỉnh
đi tham quan
học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất muối
tiêu biểu, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật, công nghệ mới với các tỉnh, thành
trong cả nước có diện tích sản xuất muối;
Hình thành các điểm thu mua muối
tập trung trên địa bàn tỉnh, để từ đó có thể kiểm soát được chất lượng cũng như
sản lượng, đồng thời tạo điều kiện thuận tiện cho các doanh
nghiệp, thương lái mua muối Bà Rịa cũng như quảng bá giới thiệu muối Bà Rịa;
Tiếp cận với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực diêm
nghiệp giới thiệu cho địa phương sản xuất muối trên địa bàn tỉnh, nhằm tìm kiếm
cơ hội đầu tư vào lĩnh vực diêm nghiệp.
Về công tác
kiểm tra, giám sát: Tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng thương
hiệu muối Bà Rịa cũng như việc chấp hành đúng các quy định đảm bảo an toàn thực
phẩm trong sản xuất, kinh doanh muối; Kiểm soát chặt chẽ việc
các doanh nghiệp nhập khẩu muối, tránh tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu muối
công nghiệp và sử dụng làm muối thực phẩm, gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng
muối Bà Rịa; Hàng năm lấy mẫu nước làm
muối và mẫu muối thương phẩm để phân tích, đánh giá chất lượng, nhằm đưa ra các khuyến cáo kịp thời cho diêm dân.
Kim Khánh