Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
09/11/2021 - 14:51 | Thông tin doanh nghiệp cần biết
Mục tiêu của
Kế hoạch nhằm kiểm soát, khống chế thành công dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC)
trên trâu, bò trên cả nước; góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường và
hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam.
Kiểm soát
chặt chẽ mầm bệnh VDNC
Kế hoạch đặt
mục tiêu tiêm phòng vaccine VDNC cho trên 80% tổng đàn trâu, bò, bê, nghé (gọi
chung là trâu, bò) tại thời điểm tiêm phòng; chủ động giám sát, phát hiện sớm
và kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm giảm số ổ dịch VDNC dưới 2.000 xã trong năm
2022, hằng năm giảm 20% số xã có dịch và số gia súc mắc bệnh VDNC so với năm liền
kề trước đó.
Phòng bệnh chủ
động, có hiệu quả bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử
trùng, tiêu độc và tiêu diệt các véc tơ truyền bệnh; xây dựng vùng, cơ sở an
toàn dịch bệnh.
Đồng thời, kiểm
dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, ngăn chặn không để mầm bệnh VDNC xâm
nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam; nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ, virus, kỹ
thuật chẩn đoán, xét nghiệm, lựa chọn giống virus, chuyển giao công nghệ sản xuất
vaccine, chế phẩm sinh học và các giải pháp liên quan phục vụ công tác phòng,
chống dịch bệnh VDNC.
Xây dựng
vùng an toàn dịch bệnh
Theo Kế hoạch,
hằng năm, các địa phương sẽ tổ chức tiêm vaccine VDNC đồng loạt cho trâu, bò
trên địa bàn, đảm bảo tỉ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm
phòng; chủ động phòng bệnh có hiệu quả bằng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học,
vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu diệt véc tơ truyền bệnh; giám sát và điều tra ổ
dịch.
Đồng thời, kiểm
dịch động vật, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú
y. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức thiết lập hệ thống
nhận diện gia súc trên cơ sở thực hiện việc đánh dấu gia súc theo quy định; xây
dựng hệ thống trực tuyến thu thập, quản lý dữ liệu vận chuyển gia súc, đảm bảo
truy xuất nguồn gốc.
Cơ quan quản
lý chuyên ngành thú y phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để thực hiện kiểm
dịch tại gốc đối với trâu, bò, sản phẩm trâu, bò xuất tỉnh và cách ly, theo
dõi, quản lý trâu, bò nhập tỉnh theo quy định.
Các trạm kiểm
dịch động vật đầu mối giao thông, tổ kiểm dịch lưu động thường xuyên kiểm tra,
kiểm soát chặt chẽ trâu, bò, sản phẩm trâu, bò vận chuyển ra vào địa bàn cấp tỉnh;
tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; lấy mẫu
xét nghiệm trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh; kịp thời phát hiện những sai phạm
trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và sản phẩm của trâu,
bò mắc bệnh, không rõ nguồn gốc.
UBND cấp huyện
thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận
chuyển, giết mổ, kinh doanh trâu, bò, sản phẩm trâu, bò trên địa bàn cấp huyện.
Kế hoạch cũng
triển khai ứng phó, xử lý ổ dịch, chống dịch, quản lý, chăm sóc gia súc bệnh;
tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh;
nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh VDNC, vaccine VDNC và tuyên truyền nâng cao nhận
thức, thay đổi hành vi.
VTH